Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả từ trồng dưa chuột leo giàn lưới

Chi phí giảm 4,2 triệu đồng /sào; đó là kết quả mô hình trồng dưa chuột leo giàn lưới của anh Nguyễn Văn Thực, thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội.



Là người có nhiều năm trồng dưa chuột, trước đây anh Thực trồng theo phương pháp truyền thống, dùng dèo để làm giàn cho dưa leo. Phương pháp này vừa mất thời gian, công sức mà năng suất không cao. Năm nay, qua tập huấn của Trạm Khuyến nông Đan Phượng, anh biết được kỹ thuật trồng dưa chuột leo giàn lưới nên anh thử nghiệm trồng 3 sào. Sau thử nghiệm một vụ, anh thấy rất hiệu quả, năng suất cao hơn so với cách trồng cũ mà chi phí lại rẻ.

Anh Thực cho biết, trước đây để làm giàn cho dưa anh làm theo phương pháp là cắm dèo chéo vào nhau theo hình chữ X, 1 sào dưa cần 1500 cây dèo để làm giàn.  Chi phí mua dèo dựng giàn rất cao 4 triệu đồng/sào và tốn nhiều công (37 công/sào) để làm giàn cũng như công buộc cố định ngọn, nhánh vào giàn dèo vì cây dưa chuột có đặc điểm bò lan, cần chỗ vịn. Vì thế, dưa bò đến đâu thì cần phải đi buộc vào giàn hàng ngày đến đó. Nếu không buộc được vào giàn ở mỗi đoạn thì ngọn dưa bò dài sẽ tuột khỏi giàn. Đồng thời, giàn làm bằng dèo rất nhanh hỏng chỉ sử dụng được 2 năm. Kết thúc mỗi vụ anh lại tốn nhiều công để thu dọn, dỡ giàn.

Năm nay, theo phương pháp làm giàn mới đó là sử dụng cọc có độ dài 2,5 m. Dựng giàn chữ X, mỗi chữ X cách nhau 2,5m cắm 2 cọc chéo, nút chéo cao 2m và các cọc chéo được nối nhau bằng hàng cọc được buộc trên đỉnh. (Cọc được sử dụng là thân cây hóp đá). Sau đó, dùng lưới cước, mắt  lưới rộng 20cm x 20cm có bán sẵn trên thị trường để phủ đều lên 2 bên hàng cọc cắm chéo. Lưới được phủ sao cho 2 mép lưới cách mặt luống 40 – 50cm để tiện cho việc làm cỏ, bón phân dưới mặt luống. Mép trên lưới trùng với chỗ giao nhau của 2 hàng cọc. Lưới phủ xong được buộc cố định vào giàn từ trên xuống dưới bằng dây nilon để gió không làm tốc. Thời điểm phủ lưới tiến hành ngay sau khi cắm cọc làm giàn cho dưa.

Khi đã có lưới bao phủ trên giàn thì ngọn dưa bò đến đâu tua cuốn sẽ quấn chặt vào giàn lưới đến đó nên không bị tuột ra khỏi giàn và rất chắc chắn. Đặc biệt, với cách làm này không phải tốn công hàng ngày đi buộc ngọn thời điểm dưa leo giàn. Việc làm giàn bằng lưới vừa thoáng, vừa không sợ giàn bị đổ như trước, dễ dàng vệ sinh thu dọn sau mùa vụ để tái sử dụng lưới cho nhiều lần sau; tăng năng suất thu hoạch; ánh sáng mặt trời chiếu phủ khắp từ gốc đến ngọn cây hạn chế sâu bệnh do không khí lưu chuyển thông thoáng; thuận lợi cho thu hoạch.

Chi phí để làm giàn bằng lưới là 3 triệu đồng/sào và theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì giàn lưới có thời hạn sử dụng là 5 năm. Công lao động để làm giàn 5 công/sào.

Với cách trồng dưa chuột leo giàn lưới, anh Thực đã giảm được 1 triệu đồng/sào tiền mua nguyên vật liệu làm giàn, đồng thời giảm được 32 công chăm sóc/sào. Anh tính, chỉ cần mỗi công một trăm nghìn đồng thì chi phí trồng dưa chuột leo giàn lưới đã giảm 4,2 triệu đồng/sào.

Qua thực tế sản xuất, anh còn nhận thấy với cách làm giàn hiệu quả này, có thể ứng dụng cho trồng đậu cô ve leo và mướp đắng./.                                                                

 Lưu Thị Bích Hường  - Trạm Khuyến nông Đan Phượng