Những mô hình này không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất của quê hương, mà còn tạo sức bật mới cho ngành Nông nghiệp của huyện...
Mô hình trồng nho hạ đen của kỹ sư trẻ Hoàng Văn Cương (quê ở xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên) không chỉ nhằm mục đích bán lấy quả, mà còn để làm vườn sinh thái, phát triển du lịch. Tại đây, ngoài tham quan, du khách còn được tự tay hái nho thưởng thức...
Vườn nho được kỹ sư Hoàng Văn Cương đầu tư một cách bài bản, khoa học, với hệ thống nhà giàn, có mái che, hệ thống bón phân tự động, tưới nước nhỏ giọt, quy trình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Hiện tại, anh Cương đã mở rộng thêm diện tích trồng nho ra nhiều địa phương khác. Sau hơn 3 năm, các giàn nho cho trái ngọt, mỗi năm thu hoạch 2 vụ, vụ hè thu hoạch vào tháng 5, vụ còn lại thu hoạch vào tháng 11, 12. Do quy trình trồng bảo đảm kỹ thuật, phòng bệnh tốt nên mỗi 1ha cho thu hoạch 10 tấn nho/năm, lãi từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm, hơn gấp nhiều lần so với trồng các loại cây hoa màu khác.
Ngoài mô hình trồng nho hạ đen, huyện Phú Xuyên còn có nhiều mô hình nông nghiệp khác mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Trồng dưa lưới, quất cảnh trên vùng đất bãi hay các mô hình chăn nuôi, canh tác sạch, ứng dụng công nghệ mới... Đơn cử như mô hình sản xuất rau sạch, nuôi cá, nuôi lợn rừng hữu cơ của gia đình bà Nghiêm Thị Hường ở xã Minh Tân, thực hiện theo quy trình VietGAP trên diện tích 1.080m2; mô hình nuôi cá sông trong ao của gia đình ông Nguyễn Văn Điện ở xã Minh Tân có diện tích 7 mẫu, mỗi năm cho thu hoạch hơn 40 tấn cá…
Hay như Tổ hợp tác rau an toàn Phù Đổng Minh Tân (Hội Nông dân xã Minh Tân) có 13 thành viên, thực hiện mô hình trồng các loại rau ăn lá, su hào, bắp cải, đậu đỗ… áp dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ trên tổng diện tích 5 ha. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Tổng doanh thu hằng năm của tổ hợp tác đạt hơn 1 tỷ đồng, thu nhập bình quân của các thành viên là hơn 100 triệu đồng/năm. Đặc biệt, năm 2023, tổ hợp tác đã đưa giống đậu tương rau F1 Nhật Bản vào trồng thử nghiệm và đạt kết quả cao, được Hội Nông dân thành phố Hà Nội và huyện Phú Xuyên đánh giá là cây trồng chủ lực của huyện trong thời gian tới.
Tổ trưởng Tổ hợp tác rau an toàn Phù Đổng Minh Tân Nghiêm Quang Vinh thông tin, sản phẩm rau, củ của tổ hợp tác đang được tiêu thụ tại siêu thị Big C Thăng Long, các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Phú Xuyên và huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam)… Thời gian tới, tổ hợp tác tiếp tục đưa một số giống cây trồng mới có ưu thế trên thị trường, chống chịu được sâu bệnh và cho năng suất, chất lượng tốt vào sản xuất, như: Su hào F1 K800 của Hàn Quốc, bắp cải F1 của Tập đoàn Giống cây trồng Syngenta Việt Nam, các loại giống rau cải lai F1… Quá trình canh tác chỉ sử dụng những chế phẩm sinh học trong sản xuất nhằm bảo đảm an toàn chất lượng cho sản phẩm.
Đến nay, huyện Phú Xuyên có hơn 2.500 ha được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, trong đó vùng nuôi chuyên canh 2.338 ha, nuôi hình thức khác 174,18 ha. Huyện cũng đang hình thành một số mô hình liên kết theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân cho biết, huyện chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Đây cũng là khâu đột phá để nâng cao năng suất, giảm việc sử dụng tài nguyên và phát thải, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học và công nghệ vào nuôi trồng, chế biến thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Qua thực tế thăm các mô hình nông nghiệp mới của huyện, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Xuyên Nguyễn Văn Cương khẳng định, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng, kỹ thuật cũng như tạo điều kiện về quảng bá, xây dựng thương hiệu… để các mô hình phát triển bài bản, có thể nhân rộng./.
TA (Theo Báo HNM)