Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mô hình nuôi lươn không bùn được nuôi thử nghiệm tại nhiều địa phương và cho nhiều kết quả tích cực, mang đến nguồn lợi nhuận cao cho người nuôi. Nuôi lươn không bùn có nhiều ưu điểm, có thể tận dụng mặt bằng, các công trình khác không còn sử dụng như chuồng gà, chuồng lợn...; tùy theo nguồn vốn và khả năng đầu tư có thể nuôi ít hoặc nhiều; dễ chăm sóc, quản lý; giảm ô nhiễm môi trường, giảm dịch bệnh, nâng cao kích cỡ thu hoạch, tỷ lệ sống, năng suất..., phù hợp với những nông hộ muốn chuyển đổi mô hình kinh tế nhưng vốn ít. Qua thời gian triển khai, mô hình này đã mang lại hiệu quả thực tế, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Mô hình được triển khai tại hộ ông Đào Trọng Châu, xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo với quy mô 3 vạn con. Cỡ giống (40 - 60 con/kg). Mật độ nuôi dưỡng (giai đoạn 1): 200 con/m2. Mật độ nuôi thương phẩm (giai đoạn 2): 150 con/m2. Thời gian thực hiện từ tháng 9/2022 đến tháng 5 năm 2023. Giống lươn được nhân tạo, đã được sinh sản, ương dưỡng trong bể không bùn, thích nghi với môi trường, tỷ lệ sống đạt cao, tăng trưởng nhanh, năng suất cao, tiết kiệm được chi phí, hiệu quả kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon, dai thịt và được thị trường ưa chuộng. Khi tham gia mô hình ông Châu được cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông Vĩnh Bảo hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh, ứng dụng các chế phẩm sinh học.
Sau 10 tháng triển khai, hiện nay lươn đang sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đạt 97%; Thức ăn cho lươn có nguồn gốc từ động vật như tép, cá tạp, ốc bươu vàng cắt nhỏ. Theo kế hoạch, từ giờ đến khi xuất bán, trọng lượng đạt 200 -250gr/con, có chiều dài từ 55 - 60 cm/con với giá bán khoảng 160 - 180.000 đồng/1kg, mô hình dự kiến mang lại doanh thu cao, sau khi trừ chi phí doanh thu đạt 70.000đồng/kg cao hơn so với nuôi cách truyền thống từ 25 - 30%. Với hiệu quả và giá trị kinh tế mang lại, mô hình có khả năng nhân rộng ra sản xuất đại trà.
Tham gia mô hình chủ hộ được cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Vĩnh Bảo tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, cách cho ăn, thay nước và vệ sinh bể hàng ngày.
Lươn có đặc tính ưa tối, thích trú ẩn, thường sống chui rúc trong bùn, ruộng, mương... nên khi nuôi trong bể xi măng phải tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng dây nilon đen. So với phương thức nuôi truyền thống trong ao bùn thì mô hình nuôi này lươn có tốc độ tăng trọng nhanh, dễ quan sát quá trình sinh trưởng và phát triển bệnh của lươn. Bên cạnh đó, nuôi lươn không bùn trong bể xi măng có thể nuôi với mật độ dày hơn so với nuôi lươn truyền thống, chi phí thức ăn thấp. Ngoài ra, lươn thường gặp về bệnh đường ruột, gan… nên công tác phòng bệnh định kỳ cho lươn cũng được chú trọng.
Nuôi lươn không bùn của gia đình ông Đào Trọng Châu là một mô hình mới và có giá trị kinh tế cao ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo. Mô hình nuôi lươn không bùn đã khắc phục được phần nào những hạn chế của kiểu nuôi lươn truyền thống và đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ dân, tận dụng được thời gian lao động nhàn rỗi ở nông thôn; đồng thời góp phần thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa các đối tượng nuôi, nâng cao giá trị kinh tế hộ gia đình và phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.
Nguyễn Hương Giang - Trung tâm KN Hải Phòng