Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả từ Đề án sản xuất vùng rau an toàn tại huyện Thanh Trì

Qua 04 năm triển khai thực hiện Đề án “Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của vùng sản xuất rau an toàn tập trung giai đoạn 2016 - 2021”, huyện Thanh Trì đã phát huy lợi thế và nguồn lực tại chỗ để củng cố và nâng cao hiệu quả của vùng sản xuất rau tập trung. Từ đó, đã tạo được sự chuyển biến, từng bước thay đổi mô hình tổ chức sản xuất hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, huyện đã có 15 sản phẩm được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP.



Khi bắt tay vào thực hiện Đề án, huyện Thanh Trì đặt mục tiêu: Diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 70 ha; Năng suất rau đạt 400 tạ/ha/năm, hệ số quay vòng sử dụng đất đạt trên 3 vụ/năm. Giá trị sản xuất trên 1ha đạt 600 - 700 triệu đồng/ha/năm. Diện tích sản xuất rau an toàn áp dụng công nghệ cao 20 ha; 80% sản lượng rau được gắn thương hiệu có liên kết tiêu thụ sản phẩm qua tổ chức kinh tế; bố trí từ 2-3 điểm trưng bày, giới thiệu và cung ứng nông sản an toàn có kiểm soát của huyện.

Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, UBND huyện đã triển khai thực hiện đến 2 xã Yên Mỹ, Duyên Hà; chỉ đạo các xã ban hành Nghị quyết, thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện Đề án và tổ chức họp tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân biết, thực hiện. Hằng năm, Phòng Kinh tế đã chủ động phối hợp với Trung tâm phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội, trạm Trồng trọt và BVTV, UBND các xã tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chương trình PGS cho trên 400 lượt người; thành lập 07 nhóm hộ sản xuất và bầu ra nhóm trưởng để giám sát các hộ cũng như để các hộ thực hiện giám sát chéo; định kỳ lấy mẫu kiểm tra xét nghiệm. Đến nay, cơ bản 100% hộ sản xuất rau tại 2 xã được tổ chức kiểm tra xác nhận kiến thức, tất cả 335 hộ đều đạt yêu cầu, có đủ kiến thức về sản xuất rau an toàn, rau VietGAP...

Nhờ đó, sau 4 năm, huyện Thanh Trì đã tổ chức lại và củng cố vùng sản xuất rau tập trung, diện tích sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP là 109 ha (kế hoạch là 70 ha), tăng 77 ha so với trước khi thực hiện Đề án. Hệ số quay vòng sử dụng đất đạt từ 2,8 - 3 lần, chủng loại rau phong phú, diện tích sản xuất rau vụ Xuân Hè được mở rộng. Năng suất rau bình quân đạt 495 tạ/ha/năm; giá trị thu nhập trên 1 ha đạt từ 650 - 700 triệu đồng/ha, đạt và vượt mục tiêu của Đề án. Đặc biệt, đã xây dựng 05 mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, đạt mục tiêu của Đề án.

Đối với mô hình trồng rau thủy canh: Đã hoàn thành xây dựng nhà màng, nhà lưới trồng rau thủy canh với diện tích 2.600m2; thực hiện chuyển giao công nghệ pha dinh dưỡng và đi vào sản xuất với các chủng loại: rau cải các loại, xà lách, cà chua, rau muống, bình quân 1 năm sản xuất được 08 - 10 lứa rau, cho thu nhập đạt khoảng 800 triệu đồng/năm cao hơn trồng rau tại địa phương khoảng 20 lần. Năm 2018, huyện thí điểm trồng thêm dưa lưới thủy canh đã cho thu kết quả khả quan đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng rau thủy canh 1,5 -2 lần.

Đáng chú ý, huyện Thanh Trì đã xây dựng mô hình nhóm hộ trồng rau hữu cơ diện tích bước đầu đạt 1,4 ha; Thực hiện các mô hình thử nghiệm sử dụng màng phủ Passlite, che vòm nilon để sản xuất rau trái vụ hạn chế sâu bệnh tại xã Yên Mỹ trong vụ hè. Đồng thời, xây dựng mô hình phân loại, xử lý và sử dụng rác hữu cơ làm phân bón cho cây rau tại xã Yên Mỹ với 100 hộ tham gia. Ngoài ra, huyện cũng triển khai mô hình sử dụng bẫy dính màu để phòng trừ sâu hại trên cây rau với diện tích hơn 2.000m2 tại xã Yên Mỹ.

Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm rau có sự chuyển biến, 80% sản lượng rau được liên kết tiêu thụ sản phẩm qua tổ chức kinh tế, đạt mục tiêu của Đề án. Huyện đã xây dựng mô nhóm hộ liên kết chuỗi: Từ khi chưa có hộ tham gia thực hiện liên kết chuỗi (ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm) đến nay đã có 151 hộ tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ với các doanh nghiệp, các hộ sản xuất ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi tổng diện tích 37 ha, giá thu mua ổn định và cao hơn giá thị trường khoảng 10-15%, đạt mục tiêu của Đề án.

Đến nay, huyện đã tổ chức thành công 03 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm ATTP có truy xuất nguồn gốc tại thị trấn Văn Điển, Tứ Hiệp và Tân Triều. Các sản phẩm rau thủy canh, rau an toàn và một số nông sản chủ yếu của huyện đã được bày bán tại các cửa hàng, cung cấp vào các bếp ăn tập thể, các trường học trên địa bàn huyện. Hiện, 80% bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện sử dụng rau an toàn của 2 xã. Ngoài ra, các xã vẫn duy trì cung cấp rau cho các đơn vị như Chuỗi cửa hàng Vmeco của Tập đoàn VinGroup, Công ty BigGreen, Công ty Đông Nam Á, Công ty suất ăn công nghiệp Hà Nội, các bếp ăn tập thể trên địa bàn quận Hoàng Mai... nâng sản lượng rau tiêu thụ qua các công ty, doanh nghiệp lên 80%, cơ bản đạt mục tiêu của Đề án.

Đối với việc kêu gọi xã hội hóa xây dựng kho bảo quản nông sản, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và xã tổ chức khảo sát và thống nhất lựa chọn 01 địa điểm tại xóm 11 xã Yên Mỹ để dự kiến xây dựng kho cấp đông, đồng thời, lựa chọn HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát (đơn vị đang liên kết thu mua sản phẩm tại 2 xã Yên Mỹ, Duyên Hà) là chủ đầu tư thực hiện. HTX An Phát đang lập thực hiện việc xây kho bảo quản theo liên kết chuỗi, cơ bản đạt mục tiêu của Đề án.

Năm 2021, huyện Thanh Trì sẽ cập nhật tiến bộ kỹ thuật, tập huấn cho bà con nông dân duy trì ổn định vùng trong rau an toàn 140,5 ha và diện tích trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap lên 106 ha. Tuyên truyền vận động nhân dân tiếp tục đăng ký tham gia mô hình nhóm hộ liên kết chuỗi; xây dựng các mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ sửa chữa và trang thiết bị các nhà sơ chế; hoàn thành nhà sơ chế bảo quản cho nông sản trong vùng theo liên kết chuỗi để thu mua nông sản vào kỳ chính vụ đưa vào bảo quản nhằm thúc đẩy sản xuất, hạn chế tình trạng được mùa mất giá…/.

NT (Theo Cổng GTĐT Hà Nội)