Hiện nay, Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Hòa Phú (xã Đông Yên) có 36 thành viên, chăn nuôi 2 giống gà đặc sản là gà đen H’Mông và gà Mía. Mỗi năm, hợp tác xã xuất ra thị trường 70-80 tấn gà thương phẩm và khoảng 2 triệu quả trứng. Ưu điểm nổi bật của 2 loại gà này là thịt chắc, thơm và có vị ngọt đặc trưng nên giá bán luôn cao hơn thị trường 10.000-15.000 đồng/kg. Nhờ đó, thu nhập của thành viên hợp tác xã hằng tháng đạt 6,5 triệu đồng/người/tháng...
Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Yên Hòa Phú Lê Đình Bình cho biết, có được kết quả như hôm nay là nhờ hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi theo quy trình khép kín, từ khâu chọn giống, chăm sóc, cho ăn, phòng bệnh theo từng giai đoạn phát triển của gà đến khi xuất bán, giết mổ, đóng gói đưa đến người tiêu dùng.
Tương tự, mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của ông Nguyễn Đình Tường ở xã Cấn Hữu cũng mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, tuy dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các sản phẩm thịt lợn sạch, nhất là các sản phẩm thịt lợn chế biến đã được gắn “4 sao” OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của gia đình ông Nguyễn Đình Tường được tiêu thụ mạnh tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố... doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng, trừ chi phí, lợi nhuận thu 3-4 tỷ đồng/năm.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi, Phó Trưởng phòng Kinh tế (UBND huyện Quốc Oai) Nguyễn Thị Sắc cho biết, từ năm 2015, UBND huyện đã khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập chuỗi liên kết trong sản xuất, chăn nuôi. Huyện hỗ trợ các mô hình về thủ tục thuê đất, xây dựng đề án bảo vệ môi trường, tập huấn kỹ thuật, bảo lãnh vay vốn ưu đãi, giới thiệu doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm... Nhờ vậy, đến nay, huyện Quốc Oai đã phát triển được hàng chục mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, từ thành công của các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, hiện nay, UBND huyện Quốc Oai đã giao các phòng, ban chuyên môn nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi với các sản phẩm như: Nhãn chín muộn Đại Thành; rau an toàn Nghĩa Hương, Yên Sơn, Tân Phú; cá VietGAP, trứng gà sạch, thịt lợn sinh học Cấn Hữu, Hòa Thạch, Đông Yên... “Chỉ có sản xuất theo chuỗi mới giải quyết hiệu quả bài toán “được mùa - mất giá”, đem lại nguồn thu ổn định cho các hộ dân”, Phó Trưởng phòng Kinh tế (UBND huyện Quốc Oai) Nguyễn Thị Sắc khẳng định./.
Theo nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn