Theo GS. TSKH. Trần Duy Quý, nông nghiệp đô thị đã và đang góp phần rất lớn trong việc tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn của các quốc gia trong quá trình đô thị hóa. Nông nghiệp đô thị sẽ tiếp tục là giải pháp và là hướng đi chiến lược cho sự phát triển nhanh, bền vững của thủ đô Hà Nội.
Đối với các vùng nội đô (ở các quận nội thành cũ và các quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Hà Đông), hiện nay giải pháp nông nghiệp đô thị đã được người dân thực hiện nhằm tối ưu hóa không gian xen kẹt giữa các dự án, giữa không gian kết nối các khu dân cư nên được khuyến khích trồng cây xanh thành dải công viên, hoa, cây cảnh hoặc cải thiện không gian bằng vườn cây trên mái các tòa nhà; du lịch sinh thái tại các điểm giáp với sông Hồng;
Tại vùng ven đô – vùng đệm (các huyện vùng ven đô có tốc độ đô thị hoá cao như: Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Thanh Oai…), giải pháp nông nghiệp đô thị cho vùng này là hình thành hành lang xanh như: Rau an toàn, hoa cây cảnh, vườn trại sinh thái, làng sinh thái ven đô.
Điển hình như tại huyện Hoài Đức, do quy hoạch phát triển đô thị, diện tích đất nông nghiệp của huyện Hoài Đức còn không nhiều, giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ còn chiếm 6,4% nhưng huyện vẫn tập trung xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung vào những cây có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong tiến trình lên quận, ông Nguyễn Văn Bách, xã Yên Sở đã chuyển đổi từ trồng lúa sang phát triển cây ăn quả, chăm sóc theo quy trình an toàn cung ứng cho người tiêu dùng. Việc tập huấn, hướng dẫn cho bà con nông dân quy trình chăm sóc an toàn theo chuẩn VietGAP cũng được huyện Hoài Đức quan tâm.
Ông Nguyễn Sinh Sáu, Đội trưởng Đội làm vườn xã Yên Sở cho biết, với diện tích đất canh tác của xã còn rất ít, xã Yên Sở xác định cây ăn quả là cây trồng chủ lực nhằm nâng cao giá trị canh tác cho nông dân. Những nông dân trong xã đã thành lập chi hội làm vườn nhằm liên kết, chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt và tiêu thụ sản phẩm. Với 65 ha bưởi còn lại là trồng ổi và cây màu khác đã đưa thu nhập của mỗi người dân khoảng 100 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Nguyễn Văn Thoan, Bí thư Đảng ủy xã An Thượng, nhờ tận dụng diện tích nông nghiệp còn lại, người nông dân trong xã đang phát triển các mô hình nông sản an toàn gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm. Vừa đáp ứng nhu cầu nông sản tại chỗ cho người dân mà còn tạo cảnh quan, không gian trải nghiệm sinh thái cho người dân khu vực đô thị.
Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, Hoài Đức đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả với diện tích 455 ha. Một số loại cây ăn quả đã trở thành cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển vùng sản xuất tập trung như: Vùng phật thủ, cam Canh, bưởi ở xã Đắc Sở, Yên Sở; vùng sản xuất nhãn chín muộn ở xã An Thượng, Đông La, Song Phượng; vùng bưởi đường tại xã Cát Quế, Đông La...
Huyện Hoài Đức hiện tập trung ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất có liên kết tiêu thụ để gia tăng giá trị nông sản. Đặc biệt, huyện cũng nghiên cứu xây dựng cơ chế đủ mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm giải quyết tốt hơn nữa đầu ra cho nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững trong tương lai.
Đối với vùng xa đô thị (Ba Vì, Mỹ Đức, Sơn Tây, Ứng Hoà, Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai, Phú Xuyên, Sóc Sơn…), giải pháp nông nghiệp đô thị cho vùng này hình thành làng nông nghiệp đặc thù gắn với phát triển du lịch, hình thành các làng sinh thái, vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng chuyên canh cây trồng, trang trại sinh thái.
Theo đó, việc phát triển nông nghiệp đô thị của Hà Nội hiện có rất nhiều hướng để phát triển và sẽ mang lại hiệu quả cao như: Nông nghiệp đô thị – sinh thái kết hợp với phát triển du lịch và chú trọng bảo vệ môi trường, gìn giữ các vành đai xanh; theo hướng nông nghiệp hiện đại, hàng hóa lớn, chuyên canh tập trung; phát triển nông nghiệp đô thị hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, cung cấp nguồn thực phẩm sạch, tươi sống, có giá trị cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân Thủ đô; theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy xã hội hóa lao động, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân của TP. Hà Nội.
Theo quy hoạch chung thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050, đề xuất tạo một "Hành lang xanh, vành đai xanh"- mấu chốt cho sự phát triển bền vững của Hà Nội- với 70% quỹ đất tự nhiên của Hà Nội là hành lang xanh. Trong đó 40% diện tích bảo tồn dành cho vùng nông nghiệp năng suất cao, các vùng bảo vệ đa dạng sinh học và các khu vực di sản văn hóa, 30% quỹ đất còn lại để hình thành các vùng phát triển dựa vào bảo tồn./.
NT (Theo www.chinhphu.vn)