Với sự hướng dẫn của Trạm bảo vệ thực vật huyện Chương Mỹ, nhiều hộ dân thuộc thôn An Phú (thị trấn Chúc Sơn) đã thuần thục việc sử dụng vòm che ni lông để trồng rau trái vụ. Ngoài tăng hệ số quay vòng sản xuất rau trong năm nhờ chủ động thời vụ, không phụ thuộc thời tiết, còn giảm chi phí phân bón do không bị rửa trôi.
Ông Vũ Văn Cát (ở thị trấn Chúc Sơn) là thành viên trồng rau của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn chia sẻ: "Vào mùa hè, một số loại rau ăn lá, củ, quả khó chăm sóc. Tuy nhiên, để các loại rau, củ này cho năng suất cao, chất lượng tốt, chúng tôi dùng phế phẩm từ rau, củ rồi ủ liên tục 20-30 ngày làm phân hữu cơ tại chỗ. Loại phân này tạo độ tơi xốp cho đất, tiết kiệm phân bón trong quá trình canh tác và bảo vệ môi trường".
Theo ông Đào Xuân Minh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn, năm 2013, được sự hỗ trợ của thành phố và huyện Chương Mỹ, hợp tác xã đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, sơ chế rau an toàn (hệ thống điện, kênh mương, giao thông...), tạo thuận lợi để nông dân sản xuất rau an toàn và rau màu trái vụ với quy mô lớn, năng suất tốt. Sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã tiêu thụ mạnh trên địa bàn. Hợp tác xã cũng là đơn vị cung cấp rau uy tín cho bếp ăn tập thể của một số cơ quan, doanh nghiệp, trường học... Mấu chốt để sản xuất đa dạng các loại rau, nhất là rau trái vụ nhờ áp dụng biện pháp kỹ thuật như sử dụng màng che, vòm che… nên ngay giữa mùa hè, hợp tác xã vẫn có sản phẩm cải bắp, su hào cùng nhiều loại rau ăn lá.
Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Trang chia sẻ, bí quyết để sản xuất rau trái vụ là sử dụng vòm che ni lông giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là giai đoạn cây non. Do cây trồng không ảnh hưởng trực tiếp của nước mưa, sương muối nên hạn chế bị hại. Phương pháp này tuy vất vả vì phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và năng suất không cao như chính vụ nhưng hiệu quả kinh tế đạt rất cao.
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng, huyện đã phát triển được 7,5ha diện tích nhà màng, nhà lưới cùng hệ thống tưới tiết kiệm trong sản xuất rau, hoa, quả tại các xã, thị trấn: Chúc Sơn, Xuân Mai, Thụy Hương, Hợp Đồng, Trần Phú... Qua thực tế cho thấy, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật sản xuất kết hợp kinh nghiệm gieo trồng, nhiều hộ nông dân đang làm giàu từ mô hình trồng rau trái vụ với thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm, góp phần tăng nguồn cung rau an toàn cho người tiêu dùng. Để nhân rộng, ngành Nông nghiệp Thủ đô và huyện Chương Mỹ đang tiếp tục mở lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất rau an toàn trái vụ cho các vùng chuyên canh./.
TA (Theo Báo HNM)