Năm 2005, diện tích anh Vinh chị Dư thuê ban đầu chỉ là 1,1 ha thuộc quỹ đất công ích của xã Hoài Thượng là khu vực đồng trũng sản xuất không hiệu quả để cải tạo để phát triển mô hình VAC. Anh chị cải tạo khu vực trũng thành các ao để nuôi thả cá, đất được đắp thành bờ bao trồng cây ăn quả xung quanh, một phần dành để xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Anh Vinh cho biết, với số vốn ban đầu của gia đình và vay mượn cộng với làm được ít nào thì lại tái đầu tư nên trong những năm đầu thực hiện mô hình gần như không dư được chút tiền nào cả. Bằng sự nỗ lực cố gắng, vừa làm vừa học, quan trọng là sau những thất bại lại có thêm động lực và những bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn. Mô hình VAC của gia đình anh Vinh sau 4 năm hình thành và phát triển đã từng bước cho thu nhập.
Năm 2018, anh chị tiếp tục thuê thêm hơn 8 ha đất ổn định của các hộ dân với mức thuê 600.000 đồng/sào/năm để mở rộng diện tích. Anh dành 0,5 ha xây dựng 7 dãy chuồng chăn nuôi lợn. Giống lợn được anh nuôi thuộc giống lợn của Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. Anh Vinh chia sẻ, yếu tố quan trọng nhất trong nuôi lợn vẫn là chăm sóc và phòng bệnh. Chuồng nuôi được anh lắp đặt hệ thống làm mát để luôn duy trì nhiệt độ từ 25-270C, thoáng mát vào mùa hè và kín gió, ấm vào mùa đông. Phải đảm bảo vệ sinh chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng định kỳ 1 tuần 2 lần để khử trùng tiêu độc. Áp dụng tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh phát sinh, đặc biệt là phải tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh trên đàn lợn.
Để xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn, anh Vinh đã xây dựng bể bạt biogas dung tích lớn, khí ga được lắp đặt để đun bếp. Từ những kinh nghiệm của bản thân, cộng với tư vấn từ cán bộ kỹ thuật và tư vấn từ đơn vị cung cấp thuốc và thức ăn chăn nuôi… đến nay anh chị đã chủ động từ chăm sóc đến phòng trị bệnh cho đàn lợn. Đặc biệt năm 2019 khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra nhưng đàn lợn của gia đình anh cũng không bị mắc bệnh.
Hiện tại, gia đình anh Vinh đang nuôi 70 lợn nái và 600 con lợn thịt. Lợn nái có thể duy trì trong khoảng 3-4 năm thì phải thay. Từ 70 con lợn nái, 02 lợn đực giống đã giúp anh Vinh đủ cung cấp lợn giống để nuôi trong cả năm không phải nhập giống từ bên ngoài.
Khi được hỏi về các chi phí và thu nhập từ mô hình chăn nuôi lợn, anh Vinh vui vẻ cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, lợn thịt được giá bán từ 60.000 đến 63.000 đồng/kg hơi, trừ chi phí người chăn nuôi lợn được lãi khoảng 1,5 triệu đồng/con. Bằng phương thức nuôi gối đàn, tháng nào gia đình anh Vinh cũng cho xuất bán từ 50-70 con lợn thịt, trọng lượng bình quân là 110 kg/con. Với mức giá như hiện nay anh Vinh có thể thu lãi từ chăn nuôi lợn gần 100 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên việc chăn nuôi lợn không phải lúc nào cũng thuận lợi, chẳng hạn năm 2017 - 2018 có thời điểm giá lợn thịt xuống dưới 40.000 đồng/kg hơi thì người nuôi không có lãi, thậm chí còn lỗ. Mỗi tháng hiện nay chỉ tính riêng tiền chi phí thức ăn chăn nuôi cho lợn và cá gia đình anh đã phải chi ra khoảng 1 tỷ đồng/tháng. Anh Vinh tâm sự, chăn nuôi lợn có thể mang lại thu nhập cao nhưng rủi ro cũng không ít, nếu dịch bệnh xảy ra hoặc tác động từ những yếu tố khách quan khác thì cũng dẫn đến thiệt hại lớn.
Về nuôi cá, hiện nay anh Vinh tập trung vào phát triển nuôi cá rô phi thương phẩm. Sau 10 tháng nuôi, cá có trọng lượng bình quân đạt từ 1,2 đến 1,5 kg/con. Bình quân trong 3 năm gần đây, gia đình anh thu mỗi năm khoảng 15 tấn cá rô phi, 02 tấn là các loại cá khác. Với giá bán hiện nay cho các cơ sở kinh doanh cá rô phi là 35.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí đầu tư thì mỗi kg cá anh Vinh thu lãi khoảng 10.000 đồng/kg. Năm 2023, anh thu lãi từ nuôi thả cá 150 triệu đồng.
Chi sẻ kinh nghiệm trong nuôi cá nước ngọt, anh Vinh cho biết, người nuôi cần làm tốt khâu chuẩn bị ao nuôi để tạo ra nhiều nguồn thức ăn tự nhiên cho cá, tạo môi trường thuận lợi cho cá hoạt động, sinh trưởng tốt, tránh được địch hại và nâng cao được tỷ lệ sống trong quá trình nuôi thả. Trên diện tích ao nuôi là 1 ha được anh Vinh bố trí 2 ao nhỏ để thả cá giống, 2 ao lớn để thả cá rô phi thương phẩm, lắp đặt hệ thống máy sục khí chuyên dụng, máy quạt nước nhằm tạo môi trường thuận lợi cho cá phát triển. Trong quá trình nuôi, anh Vinh thường xuyên kiểm tra nguồn nước để đảm bảo xử lý phù hợp cho ao nuôi, đồng thời áp dụng các biện phát kỹ thuật để xử lý ô nhiễm nguồn nước và phòng chống dịch bệnh.
Ngoài nguồn thu từ chăn nuôi, gia đình anh Vinh chị Dư còn có nguồn thu từ trồng cây ăn quả gồm: bưởi, cam, chuối. Đặc biệt, nhận thấy chất đất ở đây rất hợp với trồng các loại cây ăn quả, đặc biệt cây bưởi Hồng Đào nên anh quyết định trồng loại cây này. Sau 4 năm, cây bưởi đã cho thu hoạch với chất lượng quả thơm ngon. Năm 2023 thu lãi từ trồng cây ăn quả là trên 300 triệu đồng. Tuy nhiên năm nay do chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 3 gây thiệt hại nên nguồn thu từ cây ăn quả cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Có được thành quả từ mô hình là sự cố gắng rất lớn từ người sản xuất, từ khi xây dựng mô hình đến nay gia đình anh Vinh đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh Vinh chị Dư đã quyết tâm cố gắng để vượt qua xây dựng thành công mô hình VAC và có được nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Để duy trì mô hình VAC, ngoài 4 lao động của gia đình, anh Vinh phải thuê thêm 1 lao động kỹ thuật thường xuyên với mức 15 triệu đồng/tháng, thuê từ 5-7 lao động thời vụ với mức thuê 250.000 đồng/người/ngày. Mọi người đều có kinh nghiệm nên các khâu chăm sóc và phòng trị bệnh trong chăn nuôi được thực hiện khá tốt. Thời gian tới anh chị dự định sẽ mở rộng quy mô lên 120 lợn nái và 1.000 con lợn thịt, tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi như bổ sung sử dụng men vi sinh vào thức ăn cho đàn lợn để giúp đàn lợn tăng sức đề kháng, tăng chuyển hóa thức ăn, hấp thu dinh dưỡng, giảm mùi hôi cho khu vực chăn nuôi và sạch môi trường.
Ông Nguyễn Đình Hiếu - Chủ tịch UBND xã Hoài Thượng, thị xã Thuận Thành cho biết, hiện nay xã Hoài Thượng có 213,2 ha là diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong những năm gần đây, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được người dân xã Hoài Thượng áp dụng khá hiệu quả, trong đó mô hình VAC của gia đình anh Vũ Huy Vinh và chị Nguyễn Thị Dư thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng là một hộ tiêu biểu. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Anh chị Vinh Dư đã vinh dự được Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cấp chứng nhận đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2012 - 2016 và giai đoạn 2016 - 2021.
Để phát huy tốt những lợi thế của địa phương, trong thời gian tới, xã Hoài Thượng sẽ tập trung tuyên truyền vận động người dân trên địa bàn đẩy mạnh quy hoạch các vùng sản xuất tập trung để thuận tiện trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời đẩy mạnh quá trình liên kết trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững./.
TA (Theo TTKNQG)