Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả các mô hình khuyến nông trình diễn lúa vụ Xuân năm 2018

Nhằm giúp cho các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố có thể lựa chọn các giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của mỗi địa phương, vụ Xuân năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai xây dựng mô hình trình diễn các giống lúa mới năng suất, chất lượng với quy mô 97,43 ha, thực hiện tại 10 điểm ở địa bàn 10 huyện và mô hình cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm, quy mô 95,4 ha, được triển khai tại 5 điểm ở 5 huyện trên địa bàn thành phố. Các giống lúa được đưa vào mô hình trình diễn là các giống lúa có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, tính thích ứng rộng, cho năng suất cao, chất lượng tốt.



Nhằm giúp cho các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố có thể lựa chọn các giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của mỗi địa phương, vụ Xuân năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai xây dựng mô hình trình diễn các giống lúa mới năng suất, chất lượng với quy mô 97,43 ha, thực hiện tại 10 điểm ở địa bàn 10 huyện và mô hình cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm, quy mô 95,4 ha, được triển khai tại 5 điểm ở 5 huyện trên địa bàn thành phố. Các giống lúa được đưa vào mô hình trình diễn là các giống lúa có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, tính thích ứng rộng, cho năng suất cao, chất lượng tốt.

Đối với mô hình trình diễn các giống lúa mới năng suất, chất lượng, mô hình được triển khai tại 10 điểm trên địa bàn 10 huyện, gồm: Sơn Đà - Ba Vì (quy mô 10 ha với giống lúa Lam Sơn 116), Tân Xã - Thạch Thất (quy mô 10 ha với giống lúa Lam Sơn 116), Cộng Hòa - Quốc Oai (quy mô 10 ha, với giống lúa LTH 31 ), Dân Hòa - Thanh Oai (quy mô 10 ha, giống lúa Đông A1), Viên Nội - Ứng Hòa (quy mô 10 ha, giống lúa LTH 31), Hợp Tiến - Mỹ Đức (quy mô 10 ha, giống lúa LTH 31), Tiền Phong - Thường Tín (quy mô 7,43 ha, giống lúa Lam Sơn 116, Tri Thủy - Phú Xuyên (quy mô 10 ha, với giống Đông A1), Bồng Mạc - Mê Linh (quy mô 10 ha, giống lúa LTH 31) và điểm Đông Xuân - Sóc Sơn (quy mô 10 ha, giống lúa HDT 10).  Mô hình hỗ trợ người dân 100% giống và 30% vật tư, phân bón. Các điểm mô hình được triển khai thực hiện đúng tiến độ, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Tại Hội thảo đầu bờ giống lúa mới năng suất chất lượng vụ xuân 2018 tại xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Thanh Oai vừa phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình tổ chức, ông Đào Xuân Quân - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Oai cho biết: Thực hiện chương trình khuyến nông do Trung tâm Khuyến nông chỉ đạo, vụ Xuân vừa qua, Trạm đã phối hợp với chính quyền địa phương và 2 Hợp tác xã nông nghiệp Dân Hòa, Liên Châu để triển khai thực hiện 2 mô hình là mô hình trình diễn các giống lúa mới năng suất, chất lượng tại xã Dân Hòa (giống lúa Đông A1, quy mô 10 ha) và Mô hình cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Liên Châu (quy mô 20 ha với giống Bắc Hương 9). Đối với giống lúa Đông A1, qua theo dõi quá trình thực hiện mô hình cho thấy giống lúa Đông A1 có bộ lá đứng, dày, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt là các bệnh “khắc tinh của lúa” như bệnh đạo ôn, bạc lá.

Nhìn cánh đồng lúa nặng trĩu bông, bà Nguyễn Thị Lĩnh – Xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai không khỏi vui mừng phấn khởi. Gia đình cấy 4,5 sào, tuy là vụ đầu tiên cấy giống Đông A1 song trong quá trình thực hiện mô hình bà Lĩnh thấy giống lúa Đông A1 đẻ nhánh khỏe, cây phát triển rất tốt, cứng cây, đặc biệt là không thấy có sâu bệnh gì nên bà rất thích vì không phải sử dụng đến thuốc bảo vệ thực vật. Hơn nữa, nếu như vụ Xuân trước gia đình bà cấy Bắc Thơm số 7, năng suất đạt khoảng 220kg/sào, thì vụ Xuân này với giống Đông A1, bà Lĩnh ước tính phải được 250kg/sào.

Ông Phạm Đình Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai cho biết: Đảng ủy, UBND xã rất chú trọng đến việc đưa các giống lúa chất lượng vào sản xuất vừa nâng cao giá trị sản phẩm vừa giúp các hộ dân tiếp cận với phương thức và hình thức sản xuất tiến bộ, cho hiệu quả cao. Vì thế, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Thành phố, UBND xã đã chỉ đạo Hợp tác xã nông nghiệp phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện triển khai rà soát các hộ để tham gia và triển khai mô hình. Đến thời điểm hiện tại, mô hình đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của các hộ tham gia mô hình. Từ kết quả đã đạt được xã sẽ tiếp tục triển khai và mở rộng sản xuất giống lúa chất lượng này ở những vụ tiếp theo.

Bên cạnh mô hình trình diễn giống lúa mới năng suất, chất lượng cao, Trung tâm Khuyến nông còn triển khai mô hình cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm. Bà con tham gia mô hình không những được hỗ trợ 100% giống và 30% vật tư, phân bón,Trung tâm Khuyến nông còn kết nối bà con với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Mô hình được triển khai tại 5 điểm trên địa bàn 5 huyện là Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phúc Thọ và Quốc Oai. Các giống tham gia mô hình là Đài Thơm 8, LTH 31, Bắc Hương 9, nếp cô Tiên, Thiên ưu 8 đều là những giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt với nhiều ưu điểm vượt trội về tính thích ứng và khả năng chống chịu sâu bệnh. Qua đánh giá, các điểm trình diễn mô hình đều triển khai theo đúng kế hoạch đề ra, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng tiêu chuẩn thu mua của các doanh nghiệp.

Trước khi triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông đã khảo sát kỹ, dựa trên nhu cầu của người dân và thế mạnh của từng địa phương nhằm phát huy tối đa hiệu quả mô hình. Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất được các cấp lãnh đạo huyện, cơ sở quan tâm và bà con nông dân trên địa bàn các huyện nhiệt tình hưởng ứng. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai thực hiện các mô hình trình diễn vụ Xuân năm 2018.

Mục đích của các mô hình trình diễn lúa là đẩy mạnh đưa giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho các xã xây dựng cơ cấu giống phù hợp với tiềm năng, điều kiện đất đai của địa phương, đồng thời, thay thế các giống lúa có biểu hiện thoái hóa, hạn chế về năng suất, chất lượng và bị nhiễm sâu bệnh cao, qua đó, nhằm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích cho nông dân, Vì vậy, kết quả mô hình đã đạt được sẽ giúp cho các địa phương so sánh với giống lúa Khang Dân 18, Bắc Thơm số 7 về khả năng thích ứng, tính chống chịu sâu bệnh và hiệu quả kinh tế, từ đó lựa chọn các giống lúa phù hợp bổ sung vào cơ cấu giống lúa của địa phương. Theo Bà Vũ Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, các mô hình khuyến nông đã và đang giúp nông dân ngoại thành Hà Nội ứng dụng phát triển sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, quy mô, số lượng các chương trình khuyến nông hiện không nhiều, trong khi nhu cầu người dân vẫn còn rất lớn. Sau khi mô hình kết thúc, bà con nông dân cũng như chính quyền địa phương đều mong muốn ngành Nông nghiệp tiếp tục xây dựng nhiều mô hình điểm, đồng thời tăng quy mô, diện tích để được tiếp cận giống mới chất lượng, những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp. Bà Hương cho biết thêm, các mô hình trình diễn lúa Vụ Xuân sẽ được Trung tâm Khuyến nông tiếp tục triển khai ở vụ Mùa năm 2018 để đánh giá kết quả sau 2 vụ. Kết quả của mô hình sẽ là cơ sở để Trung tâm đề xuất với Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đưa các giống lúa mới cho năng suất, chất lượng tốt bổ sung vào cơ cấu giống lúa của thành phố kết hợp với việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nhằm giúp cho sản xuất lúa của Hà Nội ngày càng đem lại hiệu quả cao./.

Lưu Phượng