Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hạt gạo Việt Nam tạo đột phá mới

Theo Bộ Nông nghiệp & PTNT, trong quý I/2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,48 triệu tấn gạo, tương đương 715 triệu USD, tăng 24% về số lượng và 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam đều có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua và giá gạo cũng tăng cao. Điều này cho thấy, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tạo được những đột phá mới trên thị trường quốc tế.



Nói về sự khởi sắc trong xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian qua, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (thành phố Cần Thơ) Phạm Thái Bình cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu một lượng lớn gạo chất lượng cao sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) với giá 1.000 USD/tấn. So với các thị trường khác thì giá gạo xuất khẩu sang thị trường EU đang rất cao và nhu cầu nhập khẩu từ thị trường này còn rất lớn. Thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đang xúc tiến các đơn hàng cho quý II/2022.

Tương tự, theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II (tỉnh Long An) Nguyễn Tuấn Khoa, trong quý I/2022, công ty đã xuất khẩu 10.000 tấn gạo, chủ yếu sang thị trường Philippines, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)... với giá trung bình 560 USD/tấn -  mức giá khá tốt trong hai năm trở lại đây. Hiện công ty đang triển khai các đơn hàng xuất khẩu gạo sang Philippines, Malaysia và một số thị trường khác.

Nhận định gạo là một trong những mặt hàng nông sản ghi nhận sự tăng trưởng lớn cả về số lượng và giá trị, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho biết, tính riêng quý I-2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,48 triệu tấn gạo, tương đương 715 triệu USD, tăng 24% về số lượng và 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, trong tháng 4-2022, giá gạo xuất khẩu 100% tấm của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng 3 đợt, tổng mức tăng lên tới 17 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu cũng đạt mức cao nhất trong vòng gần 4 tháng trở lại đây.

Trong khi đó, thời điểm này, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước trên thế giới cũng tăng cao. Ngoài các thị trường truyền thống như Philippines (là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam), Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, các nước châu Phi, Hàn Quốc... thì xuất khẩu sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam.

“Ngoài nhu cầu thị trường tăng thì xuất khẩu gạo tăng mạnh thời gian qua còn nhờ chất lượng gạo Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, những đột phá trong việc khai thác thị trường mới cũng tạo ra giá trị lớn cho hoạt động xuất khẩu gạo…”, Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản nhận xét.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt khoảng 6-6,2 triệu tấn. Quý II/2022 là thời điểm thị trường gạo thế giới sẽ đẩy mạnh việc mua hàng và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những tín hiệu tích cực về giá bán và lượng đơn hàng, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang đứng trước một số khó khăn do sự vươn lên của các đối thủ cạnh tranh. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tập trung cho các dòng sản phẩm chất lượng cao.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam, hiện loại gạo xuất khẩu của Việt Nam có giá vượt Thái Lan là gạo 5% tấm (gạo thường) nhưng giá trị xuất khẩu khá thấp so với chủng loại gạo thơm và khả năng duy trì mức giá cao hơn này có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn, chưa mang tính bền vững. Trong khi đó, các dòng gạo thơm của Việt Nam vẫn có giá thấp hơn gạo thơm Thái Lan. Các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn. Cùng với đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu bởi cùng chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 đến 20%.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Phạm Thái Bình phân tích, xuất khẩu gạo là ngành nghề có điều kiện, do đó các doanh nghiệp lúa gạo cần xây dựng mặt hàng có tính chiến lược với chất lượng ổn định để tạo sự phát triển bền vững.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành sản xuất lúa gạo đang được thúc đẩy tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững với việc tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp & PTNT sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu và ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Theo đó, sẽ tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút nguồn lực về tài chính, ứng dụng khoa học - công nghệ, hướng đến xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam phát triển hiện đại, bền vững với các chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao, như: SRP, GlobalGAP, VietGAP…/.

TA (Theo Báo HNM)