Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội thúc đẩy phát triển, liên kết sản xuất nông nghiệp

Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm sẽ kiểm soát và nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu của thị trường và ổn định khâu tiêu thụ, là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp bền vững. Nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác, liên kết nông nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp Hà Nội luôn khuyến khích và tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã (HTX) sản xuất theo chuỗi liên kết, đồng thời đề xuất Thành phố có thêm chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tế sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.



Khác với phương thức sản xuất truyền thống, hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất sẽ giúp giảm chi phí sản xuất do hầu hết các khâu được cơ giới hóa, tăng khả năng tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Từ đó, tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản. Tại Hà Nội, chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiện đang được xây dựng và phát triển theo các hình thức phổ biến sau:

- Mô hình chuỗi khép kín: do doanh nghiệp, HTX đứng ra làm đầu mối, chủ động hoàn toàn các khâu từ sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi, tổ chức sản xuất, giết mổ, sơ chế đến tiêu thụ sản phẩm. Mô hình này có thể chủ động kiểm soát được chất lượng đầu vào cũng như chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường và xây dựng thương hiệu. Chủ động được nguồn cung ổn định, hạn chế khâu trung gian và giảm giá thành sản phẩm.

- Mô hình chuỗi liên kết:

+ Nông dân liên kết với nông dân: Với nền kinh tế thị trường hiện nay cần phải có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế; giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh. Nông dân cá thể không thể làm được điều này. Nông dân phải tổ chức liên kết lại bằng cách vào tổ hợp tác, hợp tác xã, sản xuất theo quy trình sản xuất chung. Chỉ như vậy, nông dân mới có thể cung cấp sản phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về chất lượng, kịp thời gian cho nhiều đối tác. Nhờ vào liên kết, nông dân mới có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể, tiến đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

+ Liên kết nông dân, HTX với doanh nghiệp: Xây dựng mối liên kết này về bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ. Mô hình liên kết này sẽ xây dựng kênh phân phối ổn định của các tác nhân trong chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường hiệu quả nhất dựa trên nguyên tắc các bên tham gia bình đẳng, cùng có lợi.

Việc phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất là rất quan trọng, phù hợp với nhu cầu và xu hướng quốc tế. Khi mà nhu cầu về chất lượng sản phẩm, cũng như việc đòi hỏi nguồn gốc xuất xứ và tính minh bạch thông tin quy trình sản xuất của người tiêu dùng ngày càng cao hơn thì việc phát triển và tiêu thụ nông sản theo chuỗi là xu hướng tất yếu. Đồng thời, hợp tác, liên kết sản xuất – tiêu thụ sẽ đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị có thể chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, đảm bảo việc điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đến nay, Hà Nội đã hình thành, duy trì và phát triển các vùng sản xuất với hơn 5.000 ha rau an toàn được quản lý; 76 xã chăn nuôi trọng điểm với 3.810 trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư, 25 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, 07 cơ sở giết mổ công nghiệp, 23 cơ sở giết mổ bán công nghiệp; 123 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được triển khai hoạt động có hiệu quả. Trên cơ sở đó, đã phát triển được 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 69 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật; thí điểm cấp 11 giấy xác nhận cho 11 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt với 19 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn.

Các mô hình liên kết hiện nay đã tạo ra chuyển biến tích cực, giúp người nông dân phát triển sản xuất bền vững và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu. Bước đầu các mô hình đã tạo nền tảng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, đảm bảo đầu ra cho nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định, thông qua các ràng buộc trách nhiệm giữa các nhóm tác nhân tham gia chuỗi.

Việc tạo ra các mặt hàng nông sản an toàn được quản lý theo chuỗi sẽ minh bạch được sản phẩm, tăng giá trị từ 15% đến 20% so với sản phẩm khi chưa sản xuất theo chuỗi. Nhiều chuỗi đã thiết lập được hệ thống đại lý, nhà phân phối, cửa hàng tiện ích... Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển liên kết chuỗi còn nhiều khó khăn, do chưa có sự “kết dính” giữa các tác nhân, chưa tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp và nông dân, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao, chưa chiếm được lòng tin của người tiêu dùng...Bên cạnh đó, công tác dự báo thị trường chưa thực sự được quan tâm; giá nông sản không ổn định; việc liên kết sản xuất chưa theo quy luật thị trường, còn tình trạng sản xuất ồ ạt, chưa đúng quy hoạch dẫn đến "cung vượt cầu" hay "được mùa - mất giá". 

Để giải quyết những tồn tại trong liên kết chuỗi, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã đề xuất Thành phố có thêm chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Các chính sách này sẽ được áp dụng trên cơ sở căn cứ Nghị định 98/2018 và Nghị định 83/2018 của Chính phủ, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ sau đầu tư, tập trung vào khâu sơ chế, chế biến, nhãn mác hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và thương mại, tiêu thụ sản phẩm... nhằm khuyến khích nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hợp tác xã tập trung đầu tư hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, còn doanh nghiệp thì có vùng nguyên liệu ổn định. Qua đó, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu một số nông sản đặc trưng của Thủ đô.

Những vấn đề của thị trường và sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng nông sản đòi hỏi người nông dân phải thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh và sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là sự cần thiết tất yếu giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị nông sản là xu hướng tất yếu, là nhân tố quan trọng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, giúp ngành nông nghiệp tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.

                                                                           Lưu Phượng