Năm 2023, chương trình NTM Hà Nội tiếp tục được lan tỏa, nhiều địa phương vẫn tiếp tục hướng tới xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của thành phố trong năm qua. Khép lại năm 2023, nhiều huyện vượt chỉ tiêu rất cao về số xã hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, 18/18 huyện, thị xã đã được Thủ tướng chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành trước 01 năm mục tiêu xây dựng huyện NTM. Thành phố có 183 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (vượt 17,3% so với chỉ tiêu của Chương trình 04 đến năm 2025 là 156 xã); có 68 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Xác định xây dựng nông thôn mới là một hành trình có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, với các tiêu chí ngày càng được nâng cao, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và đời sống vật chất, tinh thần, chất lượng sống ngày càng cao của người dân, vì vậy Hà Nội đang phấn đấu đạt mục tiêu thành phố hoàn thành nông thôn mới, đồng nghĩa phải hoàn thành tối thiểu 20% (tương đương 04 huyện) đạt chuẩn NTM nâng cao. Tuy nhiên, hiện tại Hà Nội đang có 06 huyện là Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức và Thanh Oai phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Với nhiều cố gắng, đến hết năm 2023 huyện Hoài Đức có 16/19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3/19 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; thị trấn Trạm Trôi đạt chuẩn “Văn minh đô thị” năm 2022. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết: Triển khai xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, đến nay, huyện đã hoàn thành các tiêu chí, hoàn thành hồ sơ trình các cấp thẩm tra, công nhận đạt chuẩn. Công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao được huyện triển khai đồng bộ, hiệu quả, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Hiện Hoài Đức có 65/80 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 81,25%, trong đó có 14 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Huyện duy trì 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Mô hình bác sỹ gia đình triển khai hiệu quả. Ở các xã nông thôn mới kiểu mẫu, có trên 95% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Năm 2023, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện ước đạt 79 triệu đồng/người/năm, toàn huyện không còn hộ nghèo…
Thanh Trì cũng là địa phương có bứt phá mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới. Chỉ trong một năm 2023, huyện Thanh Trì đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu với 100% số xã và là huyện có 2 xã (Đại Áng và Yên Mỹ) đạt nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện trên 8 lĩnh vực: Môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, du lịch, chuyển đổi số, an ninh trật tự, sản xuất. Từ đầu năm 2021 đến nay, huyện Thanh Trì cũng đã bố trí hơn 2.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông; hơn 2.300 tỷ đồng thực hiện 102 dự án hạ tầng văn hóa, xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, trên cơ sở kết quả đạt được, thành phố đã và đang đề nghị đoàn thẩm định của trung ương về đánh giá huyện Thanh Trì hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Năm 2024, thành phố Hà Nội đề ra mục tiêu hoàn thiện hồ sơ "Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới" và có ít nhất 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thành phố sẽ quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, dồn lực để hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Đối với mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, dự kiến đến cuối năm 2024, thành phố cơ bản đáp ứng được chỉ tiêu này… Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, về huyện nông thôn mới nâng cao, có 4 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức đang phối hợp với các sở, ngành thành phố để hoàn thiện theo đúng quy định; 2 huyện Đan Phượng và Thanh Oai hoàn thiện hồ sơ huyện nông thôn mới nâng cao trình UBND thành phố trước ngày 30/3/2024.
Với những kết quả đã đạt được, trong năm 2024, Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí, thành quả đã đạt. Đồng thời, tổ chức Đoàn thẩm tra huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Đoàn thẩm định, đánh giá, chấm điểm xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; hướng dẫn địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định. Phấn đấu năm 2024, có thêm 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Thực hiện tốt nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để người dân thực sự làm chủ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới./.
Lưu Phượng