Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 119 siêu thị, 336 cửa hàng tiện ích, 84 cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm. Hiện nay, tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm kinh doanh tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm còn chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 30%).
Chỉ tính riêng các quận nội thành: Tổng số chợ có kinh doanh động vật, sản phẩm động vật là 396 chợ. Trong đó: Chợ được chính quyền cho phép và quản lý là 138; chợ cóc, chợ tạm không có ban quản lý chợ là 258. Tại các quận, có 138 chợ cố định kinh doanh thịt gia súc, gia cầm, trong đó, có 56 chợ kinh doanh gia cầm do ban quản lý chợ của quận, công ty, hợp tác xã đang quản lý khai thác. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhu cầu của nhân dân nên phát sinh rất nhiều chợ tạm, chợ cóc, các hàng bán rong trên địa bàn các quận có kinh doanh gia cầm sống.
Thực tế hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn thói quen mua gia cầm sống, trong đó, đa số người mua ở các quận nội thành mua gia cầm sống thuê người kinh doanh giết mổ tại chỗ, do đó, trên địa bàn các quận nội thành của thành phố vẫn còn hiện tượng kinh doanh, giết mổ gia cầm sống (chủ yếu tại các chợ dân sinh, các khu tập trung dân cư). Mặc dù các lực lượng chức năng của các quận, các phường thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trên địa bàn, tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng buôn bán, giết mổ; kết quả rà soát, số phường, chợ còn hiện tượng buôn bán giết mổ là 62 còn số hộ là 249.
Nguyên nhân của tình trạng trên là thói quen sử dụng gia cầm sống của một bộ phận người dân đặc biệt trong các dịp ngày tuần, ngày lễ, tết; nhận thức đơn giản, người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đã trực tiếp nuôi dưỡng cho sự tồn tại của các điểm giết mổ gia cầm tự phát trong các quận nội thành không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Mặt khác, các cấp chính quyền còn chưa chủ động, quyết liệt trong kiểm tra xử lý các hộ kinh doanh, giết mổ gia cầm sai quy định. Việc phối hợp giữa các lực lượng liên quan với UBND các phường và ban quản lý chợ trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong kinh doanh, buôn bán, giết mổ gia cầm sống chưa thường xuyên liên tục, nhất là với các trường hợp bán hàng rong, với chợ cóc chợ tạm việc kinh doanh gia cầm sống và giết mổ gia cầm để kinh doanh còn phổ biến. Một số cá nhân vì lợi nhuận không chấp hành các quy định trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định về phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm.
Về giải pháp, thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp; phối hợp các cơ quan chức năng liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Phối hợp với UBND các quận tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, giết mổ không đúng quy định.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tăng cường công tác tuyên truyền, thông báo công khai danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn và các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn sản phẩm an toàn. Tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc từ động vật tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y trong hoạt động kinh doanh. Mở rộng hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh thịt an toàn, có truy xuất nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý, tăng tỷ lệ tiêu thụ thịt mát, thịt cấp đông.
Sở NN&PTNT cũng chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội yêu cầu các trạm chăn nuôi và thú y tham mưu cho UBND cấp quận, phối hợp cấp phường phổ biến Luật Thú y, nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y tới từng người kinh doanh trên địa bàn; phối hợp với lực lượng liên ngành của quận, phường thường xuyên kiểm tra, xử lý những vi phạm trong kinh doanh, giết mổ gia cầm sống trên địa bàn./.
TX (Theo Cổng GTĐT Hà Nội)