Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội sẵn sàng phương án “4 tại chỗ”

UBND thành phố Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh - Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố chủ trì Hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố.


Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố trao tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích trong công tác PCTT và TKCN năm 2023.

Năm 2023, tình hình thiên tai trên thế giới và khu vực diễn ra rất phức tạp gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản kinh tế. Tại Việt Nam, thiên tai năm 2023 xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.145 trận thiên tai.

Trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chịu ảnh hưởng của 21 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường, 12 đợt nắng nóng, 13 đợt mưa và các loại hình thiên tai khác như: Ngập lụt, sạt lở, sét, dông lốc, cháy rừng …. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, tình hình sự cố thảm họa cháy, nổ, sập đổ công trình, ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn giao thông vẫn xảy ra, còn nhiều tiềm ẩn phức tạp.

Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố và sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các Sở, ban, ngành Thành phố và các địa phương, công tác Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó, khắc phục hậu quả đã được triển khai kịp thời, toàn diện, khẩn trương và hiệu quả; đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ, đập, không để xảy ra tình trạng khô hạn thiếu nước, ngập úng kéo dài và đặc biệt là giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực, như: 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai với sự tham gia của 60.512 người, nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên; xây dựng 7.983 tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và 22.153 điểm chữa cháy công cộng.

Các đơn vị, địa phương đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Các cấp, các ngành đã đầu tư 1.048 tỷ đồng tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, 174 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp công trình đập, hồ chứa nước…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cho rằng, một số đơn vị, địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, như: Xây dựng phương án phòng, chống thiên tai chưa cụ thể, chưa sát thực tế; chế độ thông tin, báo cáo chưa đầy đủ, kịp thời; công tác xử lý, giải tỏa các vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi, phòng chống thiên tai đạt hiệu quả chưa cao; việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích đánh giá làm rõ những kết quả đã đạt được cũng như nêu lên những tồn tại hạn chế, khó khăn, vướng mắc và đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác PCTT và TKCN trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền ghi nhận, đánh giá cao công tác PCTT và TKCN của các cấp, ngành, địa phương. Trước nhận định tình hình thời tiết, thiên tai năm 2024 sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của UBND Thành phố tại Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong công tác PCTT và TKCN.

Hai là, khẩn trương hoàn thành việc tổng kết, đánh giá công tác PCTT và TKCN năm 2023, rút kinh nghiệm cho công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2024. Kiện toàn bộ máy ban chỉ huy các cấp, các sở, ban, ngành và phân công nhiệm vụ từng thành viên xong trước ngày 30/4/2024.

  Ba là, thường xuyên rà soát cập nhật, điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực theo phương châm "4 tại chỗ" để sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án bảo đảm cụ thể, chi tiết, sát với thực tế của địa phương, đơn vị. Đặc biệt lưu tâm đến việc cập nhật kế hoạch PCTT, sự cố hằng năm, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro, phương án hộ đê bảo vệ trọng điểm, phương án phòng chống úng ngập nội thành, ngoại thành, phương án phòng cháy, chữa cháy.

Bốn là, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn, diễn tập và nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn dưới nhiều hình thức, nội dung cập nhật, đổi mới, phong phú.

Năm là, Sở Nông nghiệp & PTNT chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu khẩn trương tham mưu ban hành quy định chi tiết nội dung chi và mức chi của Quỹ phòng, chống thiên tai, Quy chế hoạt động của Quỹ phòng, chống thiên tai.

Sáu là, duy trì nghiêm túc chế độ trực ban 24/24 giờ theo quy định; theo dõi chặc chẽ, thông tin, báo cáo kịp thời diễn biến của thời tiết, thiên tai, sự chỉ đạo điều hành của Trung ương, Thành phố để kịp thời tham mưu chỉ huy, chỉ đạo phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn có hiệu quả.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND thành phố tặng Bằng khen cho 11 tập thể, 11 cá nhân đã có thành tích trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023./.

                                                                                                Lưu Phượng