Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội phát triển các vùng cây ăn quả giá trị cao

Ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, thiết lập mã số vùng trồng là những giải pháp trọng tâm của ngành nông nghiệp Hà Nội nhằm phát triển bền vững các vùng cây ăn quả giá trị cao.



Giá trị kinh tế cao, tiềm năng xuất khẩu lớn

Hà Nội có gần 10.000 ha bưởi, trong đó có hơn 7.000 ha đã cho thu hoạch, tập trung ở các huyện: Phúc Thọ, Chương Mỹ, Đan Phượng, Phú Xuyên... Hà Nội cũng là địa phương trồng đa dạng giống bưởi như: Bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Tam Vân, bưởi Cát Quế…

Trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã quan tâm chỉ đạo tổ chức sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ. Nhờ vậy, đến nay, Hà Nội đã có 2 vùng trồng bưởi đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ, có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của những thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, EU…

Chia sẻ tin vui về tiềm năng xuất khẩu trái bưởi, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho hay: Mới đây, qua chương trình trao đổi, hợp tác với ngành nông nghiệp Mỹ, nhiều giống bưởi đặc sản của Hà Nội được đánh giá cao bởi chất lượng thơm ngon, vượt trội.

Qua đối chiếu với các quy định nhập khẩu của Mỹ, thời gian tới, Hà Nội tập trung phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá lại các vùng sản xuất bưởi tập trung có đủ điều kiện xuất khẩu để mở rộng thiết lập hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng.

Nhãn chín muộn cũng là một trong những nông sản chủ lực của Hà Nội. Tại vùng nhãn chín muộn xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) với 115 ha, ước tính cho sản lượng trung bình 2.500 tấn/năm, đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng. Sản phẩm nhãn tươi của địa phương đã từng được xuất khẩu sang Mỹ, Australia và Maylaysia.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho biết, những năm qua, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, hỗ trợ thâm canh, sản xuất theo quy trình VietGAP, nhờ đó, chất lượng quả được nâng lên, mã quả sáng, đẹp hơn.

Hạch toán kinh tế cho thấy, với năng suất bình quân 22 tạ/ha và giá bán trung bình 25.000 - 30.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, mỗi héc ta nhãn chín muộn cho thu lãi trên 300 triệu đồng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 22.000ha cây ăn quả các loại, trong đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao; nhiều mô hình được đầu tư lớn, bài bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho thu nhập 500 - 700 triệu đồng/ha/năm.

Mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ cao

Những năm qua, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã phối hợp với huyện, các đơn vị liên quan mở lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, hỗ trợ các xã thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Cùng với sự hỗ trợ của thành phố, các địa phương tuyên truyền, vận động nông dân lựa chọn cây giống chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Trong khi đó, nhiều hộ sản xuất đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động, quy hoạch vườn trồng tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch.

Nói về định hướng phát triển cây ăn quả trong thời giạn tới, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương thông tin: Thành phố sẽ mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ; gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm.

Cùng với đó, thành phố sẽ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn. Hà Nội phấn đấu từ nay đến năm 2030 có 50 - 70% diện tích cây ăn quả được chứng nhận chất lượng.

Đối với mục tiêu tăng thêm số lượng sản phẩm xuất khẩu, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục cập nhật thông tin đầy đủ lên cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; đồng thời tập huấn cho người dân, bố trí đầy đủ nguồn lực phục vụ thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu quy định.

Song song đó, các đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội thực hiện tốt công tác giám sát sinh vật gây hại và hướng dẫn phòng trừ sinh vật gây hại tại vùng trồng bưởi bảo đảm các yêu cầu về kiểm dịch thực vật phía đối tác nhập khẩu quan tâm; giám sát chặt chẽ việc ghi chép sổ nhật ký sản xuất.

“Bên cạnh tích cực kết nối với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, Hà Nội triển khai nhiều giải pháp tìm kiếm thị trường mới, hướng tới xuất khẩu. TP cũng đã xây dựng xong bản đồ vùng trồng, xác định rõ từng khu vực để phát triển loại cây ăn quả phù hợp” - ông Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh./.

TA (Theo Báo KTĐT)