Với tiềm năng mặt nước nuôi trồng thủy sản hơn 30.800 ha và có nhiều sông lớn chạy qua để người dân có thể nuôi trồng, khai thác thủy sản, hiện nay nhiều huyện của Hà Nội cũng tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó chú trọng đối tượng nuôi và hình thức nuôi thủy sản. Điển hình như huyện Ba Vì có khoảng 1.900ha ao, hồ mặt nước cho phát triển nuôi trồng thủy sản, tập trung tại các xã: Cổ Đô, Vạn Thắng, Đồng Thái, Phú Châu, thị trấn Tây Đằng và các xã ven sông Tích… Nhờ đổi mới, đa dạng hình thức và đối tượng nuôi trồng nên các địa phương đã gia tăng sản lượng, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích. Những năm gần đây, nông dân trên địa bàn huyện cũng đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo mô hình khép kín, đầu tư công nghệ cao, không sử dụng kháng sinh… nên đầu ra ổn định, hiệu quả kinh tế đạt cao hơn so với nuôi theo phương pháp truyền thống.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng được xem là khâu đột phá để nâng cao năng suất, đồng thời giảm việc sử dụng tài nguyên và phát thải, tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nắm bắt xu thế này, thời gian qua, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học và công nghệ vào nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với lợi thế đồng trũng, thuận tiện cho nuôi trồng thủy sản, nhiều năm qua, gia đình anh Lê Văn Lâm (xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên) đã tập trung thâm canh thủy sản bằng phương pháp truyền thống. Tuy nhiên nuôi trồng thủy sản bằng kinh nghiệm thông thường hiệu quả kinh tế cũng như môi trường sinh thái không đảm bảo, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng thiên về những sản phẩm đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Được sự hỗ trợ về kỹ thuật nuôi trồng của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, năm 2019, gia đình anh Lâm đã chuyển đổi 4 ha diện tích nuôi trồng thủy sản sang nuôi trồng theo hướng VietGAP. Đây là hình thức nuôi trồng gần với tự nhiên, không sử dụng các chất hóa học, không sử dụng các sản phẩm biến đổi gen. Quy trình nuôi này áp dụng các biện pháp tốt nhất bảo vệ hệ sinh thái, gìn giữ đa dạng sinh học, hạn chế tối đa tác động gây ô nhiễm và mất an toàn từ các hoạt động nuôi tới con người và môi trường. Nhờ dó mà giá trị thu nhập cũng được tăng lên.
Theo ông Lê Tiến Xuân - Trưởng Phòng kinh tế huyện Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên có lợi thế về địa lý, nguồn nước từ sông Hồng, những năm gần đây, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Phú Xuyên ngày càng tăng, đã có nhiều hộ gia đình phát triển nuôi cá theo hướng hàng hóa, cho thu nhập ổn định. Hiện toàn huyện có trên 2.500 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, năng suất đạt trên 6,2 tấn/ha. Huyện Phú Xuyên cũng đã quy hoạch khu nuôi trồng thủy sản, khuyến khích người dân áp dụng thâm canh và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; đồng thời chú trọng chăn nuôi theo hướng VietGAP nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững với môi trường sinh thái.
Trong nuôi trồng thủy sản giống là yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Làm tốt sản xuất giống sẽ giúp tạo ra sản phẩm chất lượng cao sau này, giúp chủ động có nguồn giống cho phát triển sản xuất. Trạm thực nghiệm chăn nuôi thủy sản thuộc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, là địa chỉ tin cậy về sản xuất con giống chất lượng cao, cung ứng cá giống cho bà con nông dân trên địa bàn thủ đô và các tỉnh lân cận. Nhằm đảm bảo chất lượng nguồn cá giống, Trạm thực nghiệm chăn nuôi thủy sản, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội chú trọng chất lượng đàn cá bố mẹ. Công tác nuôi lưu giữ đàn cá giống gốc ở đây được quản lý, ghi chép theo từng đối tượng. Quản lý, chăm sóc, đàn cá bố mẹ được thực hiện giám sát chất lượng theo tiêu chuẩn ngành và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap.
Hà Nội có tổng diện tích mặt nước 30.800 ha. Trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 24.200 ha. Hà Nội đã phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, tập trung tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì, Quốc Oai, Sóc Sơn. Nuôi trồng thủy sản theo hướng hàng hóa đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản trên địa bàn Hà Nội đạt trên 56.000 tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Có được kết quả trên là nhờ chất lượng con giống được đảm bảo. Là đơn vị nghiên cứu và sản xuất các loài thủy sản nước ngọt lớn nhất thành phố, Trạm thực nghiệm chăn nuôi thủy sản Hà Nội đang ngày càng nỗ lực trong công tác khảo nghiệm giống mới và sản xuất cung ứng cá giống, cung cấp cho nhu cầu nuôi thủy sản của người dân. Để tạo được uy tín và thành công, trong những năm qua, Trạm thực nghiệm chăn nuôi thủy sản đặc biệt quan tâm tới việc khảo nghiệm, tuyển chọn nhập cá bố mẹ đủ tiêu chuẩn làm giống, tạo ra những giống cá thương phẩm có chất lượng. “Hiện nay, Trạm thực nghiệm chăn nuôi thủy sản có hơn 6,7 ha mặt nước để thực hiện cung ứng giống thủy sản. Đơn vị đã thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nhân giống, nuôi ương cá giống cung cấp cho các cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản trong và ngoài thành phố . Mỗi năm, đơn vị sản xuất 1 tỷ cá bột, từ 8 - 10 triệu con giống các loại, gồm trắm, trôi, mè, rô phi đơn tính… đều đạt chất lượng tốt”. Ông Nguyễn Khắc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội cho biết.
Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân mỗi năm từ 3,5 - 4,5%, Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm có lợi thế, cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ; tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối tiêu thụ sản phẩm thủy sản; tạo tiền đề thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất./.
Nguyễn Vàn