Sinh năm 1981 nhưng anh Dũng đã có gần 20 năm kinh nghiệm trong chăn nuôi gà. Khởi nghiệp với 4000 con gà trắng siêu thịt từ những năm 1998-1999, đến năm 2004 anh chuyển sang chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm giống Isa Brow với tổng đàn 15.000 con. Đến nay, với khoảng 8000m2 chuồng trại anh đang nuôi gần 40.000 con gà, trong đó có 5.000 gà bố mẹ, 15.000 gà đẻ trứng thương phẩm và 20.000 gà mái hậu bị.
Gần 20 năm kinh nghiệm chăn nuôi và thực tế “năm được, năm mất”, cộng với những bài học “được mùa - rớt giá” đã thôi thúc anh Dũng tìm đến một giải pháp chăn nuôi ít rủi ro hơn, đó là ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi nhằm giảm giá thành sản xuất, đồng thời ký kết hợp tác bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.
Sau nhiều ngày tháng đi tìm tòi, học hỏi, với sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, bạn bè, cuối cùng thì tháng 6/2017 dây chuyền cho gà ăn tự động của anh Dũng đã lắp đặt xong và đi vào vận hành. Anh Dũng cho biết, phần lớn thiết bị của dây chuyền được anh nhập về từ Nhật Bản, Hàn Quốc và được anh thiết kế, lắp ráp phù hợp với trại. Kinh phí đầu tư ban đầu vào khoảng 150 triệu đồng/dây chuyền (bao gồm hệ thống mô tơ, bảng mạch điều khiển, 01 silo chứa cám (12 tấn)…). Thời gian đầu vận hành đôi khi dây chuyền còn xảy ra những lỗi nhỏ nhưng tất cả đã được khắc phục kịp thời, đến nay dây chuyền đã vận hành ổn định và hiệu quả đem lại rất rõ ràng.
Về mặt kỹ thuật, thức ăn cho gà được nhập thẳng từ nhà máy về silo, sau đó được dây chuyền chuyển đều đến từng máng ăn của gà. Điều này giúp tránh được chuột bọ, nấm mốc, tránh được rơi vãi trong quá trình vận chuyển và cho ăn, thức ăn được cho ăn đúng định lượng (khoảng 110gr/con gà) giúp gà đẻ ổn định và chất lượng trứng tốt, đồng đều hơn. Bên cạnh đó hệ thống còn có bộ phận lau chùi máng ăn tự động giúp máng ăn luôn sạch sẽ, nhờ đó hạn chế được các bệnh về đường tiêu hóa cho đàn gà. Ngoài ra việc giảm thiểu được lượng công nhân ra, vào chuồng nuôi cũng giúp vấn đề vệ sinh thú y được đảm bảo hơn, tránh được stress cho đàn gà.
Về mặt kinh tế, trước đây anh Dũng phải thuê tới 4 công nhân với mức lương 5-6 triệu đồng/người, chưa bao gồm kinh phí ăn ở, nay anh chỉ phải thuê 2 công nhân. Thức ăn cho gà được nhập thẳng từ nhà máy về silo nên mỗi kg thức ăn anh sẽ giảm được 100 đồng (mỗi tháng trang trại gà của anh sử dụng hết khoảng 60 tấn thức ăn). Số kw điện cho vận hành dây chuyền (ngày vận hành 3 lần, mỗi lần khoảng 5 phút) chỉ từ 40-50 kw/ tháng.
Như vậy, với việc vận hành dây chuyền cho ăn tự động mỗi tháng anh Dũng đã tiết kiệm được gần 20 triệu đồng và chỉ sau 8-9 tháng vận hành anh Dũng sẽ khấu hao hết toàn bộ dây chuyền cho ăn tự động.
Thấy được cái lợi của việc cơ giới hóa, anh Dũng lại tiếp tục học hỏi, mày mò, sáng chế ra hệ thống máy phân loại trứng tự động và hệ thống máy thu phân gà. Nhờ có hệ thống máy phân loại trứng nên lượng trứng hư hỏng do công nhân gây ra đã giảm đáng kể, đồng thời nó cũng giúp anh giảm được 01 công nhân ở khâu này.
Về phần hệ thống máy thu phân gà, anh Dũng cho biết: Anh chỉ phải đầu tư 02 công nhân cho khâu dọn chuồng, công nhân không phải dùng xẻng xúc phân nữa mà chỉ việc vận hành máy và đứng đóng bao, điều này giúp công nhân của anh nhàn hơn trong việc dọn chuồng và việc vận chuyển phân đến nơi tập kết được dễ dàng hơn, phân không bị rơi rớt ra môi trường.
Bên cạnh việc ứng dụng cơ giới hoá vào chăn nuôi anh Dũng cũng đã ký kết hợp tác bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH Ba Huân, các cửa hàng, đại lý bán trứng lớn trên địa bàn thành phố Hà Nội để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, từ đó giúp anh chăn nuôi ổn định và có hiệu quả./.
NT (Theo TTKNQG)