Chú trọng cơ cấu lại sản xuất
Nói về nhiệm vụ, giải pháp của ngành nông nghiệp trong năm 2024, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội sẽ thực hiện cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm diện tích trồng lúa, tập trung phát triển lúa gạo theo hướng tăng cơ cấu giống lúa chất lượng.
Đồng thời, mở rộng diện tích trồng rau, tăng diện tích hoa, cây cảnh hàng năm. Chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa tại các vùng khó khăn về tưới tiêu sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Hà Nội tập trung phát triển theo hướng sản xuất con giống trên cơ sở lưu giữ và bảo tồn các giống bản địa chất lượng cao.
Song song đó, thành phố cũng phát triển thủy sản theo hướng bền vững, có năng suất, chất lượng cao, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái; khuyến khích áp dụng nuôi thâm canh, công nghệ cao, theo quy chuẩn VietGAP.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Hà Nội triển khai các giải pháp phục hồi tốc độ tăng trưởng thông qua việc nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường. Qua đó nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm. Ngành cũng đặt ra là xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ mới với năng suất, chất lượng cao, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đánh giá, sản xuất nông nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và còn không ít hạn chế. Trong đó, thách thức lớn nhất đối với ngành nông nghiệp vẫn là yếu tố thời tiết. Ngoài ra, giá vật tư, nhân công lao động đầu vào không ổn định và luôn có xu hướng tăng, làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả kinh tế. Việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Tạo đột phá, phát huy bản sắc riêng
Nhiều chuyên gia nhận định, nông nghiệp Thủ đô có đặc thù riêng, đó là nền nông nghiệp nằm trong lòng đô thị. Vấn đề đặt ra là xác định phương hướng phát triển thế nào để bảo đảm đầy đủ các yếu tố tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, gìn giữ văn hóa, giữ vững an ninh lương thực. Dịch vụ nông nghiệp sẽ được khai thác hiệu quả trên cơ sở phát triển một nền nông nghiệp đô thị sinh thái. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác mà ngành nông nghiệp phải tính toán, cân đối.
GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp Thủ đô cần xác định mục tiêu là cung cấp thực phẩm tươi sống, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp các sản phẩm có giá trị cao (sinh vật cảnh, cây công trình, cây giống, nguyên vật liệu với hàm lượng khoa học cao) cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hà Nội cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, để tạo được bước đột phá, sự khác biệt và trở thành động lực phát triển nông nghiệp cho các tỉnh thành khác.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Luật Đất đai sửa đổi với những điều khoản mới là “chìa khóa” tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, bất cập của ngành nông nghiệp hiện nay. Hơn nữa, Luật Thủ đô sửa đổi (dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp tới) sẽ thúc đẩy việc khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ đất đai cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trong đó, đáng chú ý là có đề xuất giao Hà Nội quyền khai thác, sử dụng quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông để phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp các mô hình tham quan, du lịch, giáo dục trải nghiệm. Hay là việc Hà Nội được phép chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và hoạt động sản xuất nông nghiệp khác.
Hà Nội cũng sẽ được quyết định việc góp quyền sử dụng đất, cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện sản xuất cũng như xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung./.
TA (Theo Báo KTĐT)