Hiện nay Ban đang quản lý bảo vệ 5.588 ha rừng phòng hộ và đặc dụng trong đó, hơn 2.095 ha rừng phòng hộ môi trường và đất lâm nghiệp, hơn 3.493 ha rừng đặc dụng. Tuy nhiên, diện tích rừng và đất lâm nghiệp hầu hết ở trên cao, dốc, phần thấp xen kẽ với khu dân cư, trường bắn và gắn liền với các công trình văn hóa, di tích lịch sử như: Khu di tích lịch sử đền Sóc Sơn, tượng đài Thánh Gióng, Chùa Hương. Trong quy hoạch rừng vẫn còn có các hộ dân có đất thổ cư, ruộng vườn, nương rẫy và sống trong rừng và gần rừng, mặt khác đặc điểm rừng Sóc Sơn là rừng nghèo, loài cây chủ yếu là thông, keo, bạch đàn, thảm thực bì dày, cây bụi rậm, nguồn vật liệu là tế guột dễ gây cháy rừng. Còn rừng đặc dụng Hương Sơn có nhiều dân tộc sống xen kẽ. Vào mùa khô hanh thảm thực vật trên núi đá và một số sườn núi dốc đều vàng úa. Hằng năm vào mùa lễ hội du khách đến nhiều vạn lượt người, kéo theo các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ, việc quản lý nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện, việc khách đốt vàng mã không đúng nơi quy định nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Cháy rừng xảy ra ngay cả những ngày không mưa trong mùa mưa.
Mặc dù Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý bảo vệ phòng cháy chữa cháy rừng, tuy nhiên, cháy rừng luôn là mối nguy cơ thường xuyên tiềm ẩn trên diện tích rừng phòng hộ. Nguyên nhân chủ yếu là do thảm thực bì tốt và rậm rạp dễ bắt lửa, thời tiết nắng, nóng, khô hanh kéo dài. Hơn nữa, trong thời gian gần đây, số lượng người ra vào rừng nhiều, qua kiểm tra thực tế vào những ngày thứ bảy và chủ nhật, ngày nghỉ, ngày lễ, số lượng học sinh, sinh viên, du khách thập phương vào rừng rất đông, cá biệt có ngày lên tới hàng nghìn người, cụ thể là khu vực Hồ Hàm Lợn và Đồng Quan, khu vực tượng đài Thánh Gióng, khu vực đền Sóc Sơn, khu vực chùa Non Nước để cắm trại, đi phượt, đốt lửa trại qua đêm trên diện tích đất ven hồ. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, vệ sinh môi trường sinh thái, an ninh trật tự.
Năm 2018, Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội tập trung triển khai các giải pháp như: Quản lý bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng phòng hộ - đặc dụng hiện có. Sắp xếp và tăng cường lực lượng kiểm tra để đảm bảo tốt vai trò là lực lượng nòng cốt trong quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Tiếp tục triển khai công tác giao đất, khoán rừng; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có khả năng đầu tư trồng rừng, phát triển du lịch sinh thái rừng.../.
TT (Nguồn CGTĐT Hà Nội)