Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Gỡ vướng trong rà soát điều chỉnh quy hoạch

Thực hiện Thông tư số 02/2017/TT-BXD ngày 1-2-2017 của Bộ Xây dựng về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới, TP Hà Nội đã tiến hành rà soát điều chỉnh, bổ sung lại quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên tiến độ thực hiện nhiệm vụ này tại các địa phương còn chậm so với yêu cầu...



5 địa phương chưa có báo cáo

   Triển khai nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới trên địa bàn huyện Hoài Đức đang gặp nhiều khó khăn. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Phạm Tiếp, địa bàn huyện được chia thành 2 vùng, trong đó phía Đông Vành đai 4 gồm 13 xã được quy hoạch nằm trong vùng phát triển đô thị. Hiện quy hoạch ở các xã này đang bị chồng lấn với nhiều quy hoạch, tuyến đường phân khu chạy qua nên hạ tầng kỹ thuật, xã hội đều phải nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung. Nhiều công trình phúc lợi ở đây cũng phải di chuyển đến vị trí mới cho phù hợp, nhưng không còn quỹ đất để bố trí. Các điểm quy hoạch phát triển đô thị của huyện trong vòng từ 10 đến 20 năm nữa sẽ trở thành hiện thực. Vì vậy, quy hoạch phải có sự kết nối khu dân cư cũ với khu đô thị, khu trung tâm hành chính xã… cần được tính toán kỹ lưỡng. Trong khi đó, phía Tây huyện Hoài Đức gồm các xã vùng bãi, do nằm trong chỉ giới thoát lũ sông Đáy nên chưa xây dựng được các quy hoạch chi tiết… Những vướng mắc trên khiến huyện Hoài Đức gặp nhiều lúng túng và cần có lộ trình để thực hiện, làm chậm tiến độ điều chỉnh quy hoạch.

Thực trạng trên cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội. Ngoài ra, ở nhiều huyện, trình tự thủ tục để phê duyệt đồ án quy hoạch nông thôn mới mất nhiều thời gian dẫn đến tiến độ triển khai điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới chậm trễ. 

Thời gian qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã phối hợp với liên sở: Xây dựng - Tài chính - Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội rà soát, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ quy hoạch nông thôn mới của tất cả các địa phương trên địa bàn thành phố. Căn cứ nhiệm vụ được giao, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã hướng dẫn UBND các huyện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã, bổ sung quy hoạch chi tiết trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn. Tuy vậy, kết quả điều chỉnh quy hoạch còn chậm, đến nay mới có 13/18 huyện, thị xã có báo cáo tiến độ triển khai công tác này gửi về Sở Quy hoạch - Kiến trúc để tổng hợp, báo cáo thành phố. 5 địa phương chưa có báo cáo là Sóc Sơn, Mỹ Đức, Thường Tín, Phúc Thọ, Hoài Đức.

Cần phải tính toán kỹ lưỡng

Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương, từ năm 2012, TP Hà Nội đã hoàn thành xong tiêu chí quy hoạch nông thôn mới. Tuy vậy, sau thời gian triển khai thực tế có nhiều thay đổi. Mặt khác, Hà Nội đang hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, điển hình tiên tiến… nên cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. “Hà Nội khác với các địa phương trong cả nước là ngoài xây dựng nông thôn mới còn liên quan đến phát triển công nghiệp, đô thị. Ví như huyện Đông Anh có 18/23 xã liên quan đến quy hoạch đô thị; Hoài Đức đến năm 2020 sẽ “lên” quận; nhiều địa phương đang có tốc độ đô thị hóa nhanh..., do vậy, công tác quy hoạch phải được tính toán kỹ” - ông Cương nói.

Trưởng phòng Quản lý Đô thị huyện Quốc Oai Đỗ Khắc Mịch kiến nghị: Hiện nay, trình tự thủ tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới còn rườm rà. Sau điều chỉnh đồ án quy hoạch, các huyện thành lập Hội đồng thẩm định xem xét và tiếp tục gửi hồ sơ về Sở Quy hoạch - Kiến trúc xin ý kiến nên mất nhiều thời gian. Để đẩy nhanh tiến độ, huyện Quốc Oai đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc cử cán bộ tham gia thẩm định cùng Hội đồng thẩm định của huyện để có đánh giá chung.

Theo Trưởng phòng Quản lý Đô thị huyện Sóc Sơn Nguyễn Xuân Thắng, quy hoạch nông thôn mới tại khu vực ranh giới giữa đô thị và nông thôn cần được nghiên cứu kỹ hơn. Đặc biệt, phải nâng cao được chất lượng đồ án quy hoạch có tính đến những vấn đề như: Thu gom nước thải, rác thải nông thôn... Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoài Đức Phạm Tiếp kiến nghị thành phố sớm tháo gỡ khó khăn cho huyện, có quy hoạch về sản xuất, khu dân cư để có điều kiện phát triển vùng bãi.

Ông Lê Thiết Cương cho rằng, những kiến nghị của các địa phương là có cơ sở. Bởi TP Hà Nội là Thủ đô của cả nước, quy hoạch nông thôn mới cần được tổ chức đồng bộ hơn. Năm 2018, tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ tính đến kết quả hoàn thành điều chỉnh quy hoạch của các địa phương. Thời gian từ nay đến hết năm không còn nhiều, nếu các địa phương không quyết liệt và thành phố chưa có tháo gỡ kịp thời thì sẽ không thể về đích đúng hẹn.

Mới đây, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch nông thôn mới. Tại đây, đại diện các sở, ngành liên quan bước đầu đã giải thích, hướng dẫn các địa phương trong các bước lập, điều chỉnh quy hoạch… để đẩy nhanh tiến độ. Với những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Ban Tổ chức hội thảo đã phân loại thành từng nhóm để báo cáo thành phố tháo gỡ trong thời gian tới./.

Nguyễn Mai