Theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, đến hết năm 2021, toàn huyện đã phát triển được 76 sản phẩm OCOP, trong đó có 66 sản phẩm được phân hạng 4 sao và 10 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP của huyện tập trung ở 2 lĩnh vực thế mạnh là chế biến thực phẩm (chiếm 84,3%) và hàng thủ công mỹ nghệ, trang trí (chiếm 15,7%). Đặc biệt, các sản phẩm được công nhận OCOP 3-4 sao của huyện đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thấy được lợi ích của Chương trình OCOP nên rất tích cực tham gia.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) là chủ thể quản lý 20 sản phẩm OCOP, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Thị Hậu khẳng định, lợi ích lớn nhất khi tham gia Chương trình OCOP là giúp các thành viên trong hợp tác xã nâng cao ý thức, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất hữu cơ nhằm tạo ra những sản phẩm tốt nhất cung cấp cho người tiêu dùng. Hiện nay, sản phẩm rau cải chíp, bí xanh, su hào, cà tím dài, cải canh, cà chua... của hợp tác xã đã được công nhận 4 sao, đáp ứng tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi tháng, hợp tác xã cung cấp cho thị trường 20-25 tấn sản phẩm rau an toàn các loại, doanh thu đạt 450-500 triệu đồng.
Tương tự, đối với sản phẩm chè an toàn Bắc Sơn, từ khi được phân hạng OCOP 4 sao, việc tiêu thụ không chỉ thuận lợi mà giá cả cũng cao hơn. Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn Đào Thị Quý cho biết, hiện giá trị kinh tế thu được từ một héc ta canh tác chè của hợp tác xã đạt khoảng 300 triệu đồng, cao hơn cây trồng khác. Từ kết quả này, hợp tác xã đang mở rộng diện tích chè VietGAP và tăng cường chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, thực tế hiện nay, trên địa bàn huyện còn nhiều dư địa để phát triển sản phẩm OCOP. Nổi bật như chuỗi liên kết sản xuất nấm công nghệ cao KMS (quy mô 0,8ha); chuỗi liên kết sản xuất hoa nhài Sóc Sơn (148ha); chuỗi liên kết sản xuất gà vi sinh Sóc Sơn (20.000 con)... Ngoài ra, huyện còn có 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang phát huy hiệu quả kinh tế. "Đây là cơ sở để huyện đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 có thêm 10-15 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; đến hết năm 2025, toàn huyện có hơn 100 sản phẩm OCOP", ông Đỗ Minh Tuấn khẳng định.
Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Sóc Sơn xác định phát triển sản phẩm OCOP là giải pháp trọng tâm để cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP và nông sản của địa phương đến với khách hàng trong và ngoài thành phố Hà Nội; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư khoa học và công nghệ vào sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp, làng nghề. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị kinh tế và tạo ra sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP trên thị trường.../.
TA (Theo Báo HNM)