Trước đây, gia đình ông Lâm Quang Long (SN 1960) đã nuôi qua nhiều đối tượng như bò, lợn, lươn đồng, ba ba, cá trê... nhưng thu nhập vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Theo dõi chương trình nhà nông làm giàu, ông Long thấy mô hình nuôi nai lấy nhung phù hợp với gia đình. Ông tìm hiểu thêm qua sách, báo, mạng internet về kỹ thuật nuôi, tranh thủ thời gian đi đến các địa phương có nuôi nai như Nghệ An, Quảng Bình để học bí quyết nuôi nai lấy nhung. Khi biết nai nuôi nhốt thường ít xảy ra dịch bệnh ngay cả bệnh lở mồm long móng cũng không thấy xảy ra trên con nai. Sản phẩm nhung nai được thị trường ưa chuộng đặc biệt là sử dụng trong đông y. Đầu năm 2010, ông đầu tư 200 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 5 con nai giống về nuôi. Với kiến thức và kinh nghiệm có được từ chăn nuôi, cũng như sự chịu khó học hỏi từ người đi trước nên khi chuyển qua nuôi nai ông thấy rất thuận lợi. Với 5 con nai ban đầu, sau hơn mười năm gây dựng, đến nay, đàn nai của ông đã có 16 con đực cho lấy nhung định kỳ, 4 con cái tham gia sinh sản nai giống.
Theo ông Long, nai là động vật hoang dã nên khi nuôi phải đăng ký với ngành kiểm lâm để được cấp phép nuôi. Nai khi nuôi nhốt được thuần hóa nên chuồng trại nuôi nai cũng giống như chuồng trại nuôi trâu bò, không cần diện tích lớn. Mỗi con chỉ cần đóng một ô chuồng từ 6 - 8m2, có mái che bằng tôn, xung quanh chuồng có thể dùng lưới B40 chắn hoặc đóng cây gỗ ngăn thành khung chắn không cho nai ra ngoài.
Ông Long cho biết, thức ăn cho nai là các loại cỏ, lá cây dễ kiếm ngay tại vườn. Bình quân một con nai trưởng thành sử dụng khoảng 10kg thức ăn thô/ngày. Vào giai đoạn trước khi cắt nhung cần cho nai ăn thêm tinh bột và các loài lá cây có nhựa như lá tùng, lá mít, lá đu đủ... để nai cho nhiều nhung và nhung có chất lượng cao hơn. Từ lúc nhung nai mọc đến lúc thu hoạch khoảng thời gian từ 40 đến 45 ngày. Nếu thời gian thu hoạch nhung nai kéo dài thì nhung chuyển sang sừng cứng không còn giá trị y học. Mỗi năm một con nai đực cho khoảng 3 kg nhung, cá biệt có con đạt 5 kg nhung. Sau khi cắt nhung phải chăm sóc tốt để hậu bị qua năm sau nai lại tiếp tục cho những lứa nhung tốt. “Với 16 con nai đực cho khai thác nhung, mỗi năm, gia đình thu được khoảng 30 kg nhung tươi. Giá bán nhung tươi ổn định trong năm là 14 triệu đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu lợi khoảng 350 triệu đồng. Đó là một khoản thu nhập không nhỏ đối với người lấy nghề nuôi nai làm kinh tế như gia đình tôi”, ông Long chia sẻ.
Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Hội nông dân xã Bình Châu đánh giá, sau hơn 12 năm chăn nuôi và sản xuất, cơ sở của ông Long đã xây dựng thương hiệu mang tên Trại nai Ba Long được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết, đến tham quan học tập kinh nghiệm, đặt mua sản phẩm nhung nai về dùng. Đây là một mô hình chăn nuôi mới được áp dụng tại địa phương, chủ hộ đã đi nhiều nơi tìm tòi học hỏi, áp dụng vào sản xuất chăn nuôi làm kinh tế gia đinh. Mô hình nuôi nai lấy nhung đã mang lại hiệu quả kinh tế cao so với các mô hình chăn nuôi khác tại địa phương. Sự thành công từ nuôi nai lấy nhung của hộ ông Long đã tạo ra một nghề chăn nuôi mới, có hiệu quả kinh tế cao, là hướng đi mới đầy triển vọng của xã nói riêng và toàn tỉnh nói chung./.
Trọng Hoàng - TTKN Bà Rịa - Vũng Tàu