Ông Nguyễn Đức Hồng - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: Huyện Gia Lâm đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2018. Có thể khẳng định, thời gian qua huyện Gia Lâm đã có nhiều khởi sắc và thay đổi tích cực nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhưng với mục tiêu phát triển thành quận vệ tinh trong tương lai gần của Thủ đô, nên việc phấn đấu liên tục là một điều tất yếu. Để triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu, đồng thời xây dựng huyện Gia Lâm thành quận, giai đoạn 2021-2025, Đảng bộ và nhân dân Gia Lâm đã và đang đoàn kết, đồng lòng phát huy thế mạnh đã đạt được, hướng tới thực hiện nhiều chương trình trọng điểm trong năm 2021 và các năm tiếp theo đúng và sớm hơn tiến độ đã đề ra. Đặc biệt là xây dựng nông thôn mới cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, hướng đến nông thôn mới phồn vinh, văn minh và hiện đại.
Theo ông Nguyễn Đức Hồng, ngoài việc đẩy mạnh mục tiêu phát triển tam nông, Gia Lâm còn đưa ra các giải pháp cụ thể như: Duy trì thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 2.504 tỷ; thu nhập bình quân đầu người đạt 65,3 triệu đồng/người/năm; có 2 xã trở lên công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao...
Đối với kế hoạch xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với đầu tư, xây dựng xã thành phường và phát triển du lịch xã Phù Đổng giai đoạn 2021-2025, huyện Gia Lâm tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển trên địa bàn xã Phù Đổng; phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo hướng đô thị, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch. Đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã Phù Đổng; phát triển du lịch Phù Đổng chuyên nghiệp và bền vững cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của xã.
Đặc biệt năm 2021, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Gia Lâm phấn đấu 100% nhà quản lý, các tổ chức doanh nghiệp, HTX, chủ hộ có đăng ký sản xuất kinh doanh tham gia chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh. Củng cố, duy trì và phát triển đối với 49 sản phẩm đã được phân hạng đánh giá năm 2019 và năm 2020. Phấn đấu có trên 30 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng năm 2021, tập trung vào sản phẩm lợi thế của huyện tại các làng nghề truyền thồng (Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng, Kim Lan; dát quỳ vàng và may da Kiêu Kỵ; dược liệu Ninh Hiệp) và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Việc chú trọng đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, điện, đường liên xã liên thôn, đường làng cơ bản được bê tông hóa 99%. Hệ thống trường học các cấp, trang thiết bị dạy học đã và đang tiếp tục được ưu tiên đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục...
Trong phát triển nông nghiệp, huyện Gia Lâm đã tăng cường cơ cấu lại ngành nông nghiệp tạo ra cho sản xuất nông nghiệp có nhiều tiến bộ và đã đạt được những kết quả quan trọng, cơ cấu nội bộ của ngành được chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng chăn nuôi thủy sản tăng, giá trị tăng thêm của ngành nông nghiệp tăng, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi theo hướng tích cực. Huyện đã và đang hình thành được các vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng cây ăn quả, vùng chăn nuôi bò thịt, bò sữa, vùng chăn nuôi thủy sản,... Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất được coi trọng đã góp phần tích cực thúc đẩy các hoạt động sản xuất ở khu vực nông thôn.
Một trong những tiêu điểm mà Gia Lâm luôn hướng tới và đạt được kết quả khả quan là đời sống nông dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng; tỉ lệ hộ cận nghèo giảm; 100% các trạm y tế xã có bác sĩ. Tỉ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo được tăng lên. Hệ thống chính trị cũng được củng cố và tăng cường ngày càng vững mạnh.
Ông Nguyễn Đức Hồng cho biết, trong thời gian tới, Gia Lâm sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, phải đa dạng dưới nhiều hình thức, nội dung, từ đó tạo được sự thống nhất cao trong tổ chức thực hiện. Đảm bảo công khai, dân chủ để người dân được biết, bàn bạc, thống nhất tự giác chủ động tham gia. Phát huy vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện. Sự phối hợp của các cấp, các ngành với các địa phương, công tác đôn đốc, kiểm tra phải thường xuyên để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Đồng thời tranh thủ tối đa sự hỗ trợ ngân sách Nhà nước. Việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư phải phù hợp với điều kiện kinh tế của nhân dân. Thực hiện việc quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn mới đảm bảo đúng quy định. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Đồng thời hỗ trợ đầu tư phát triển trung tâm thương mại, siêu thị mini, chợ nông thôn, hỗ trợ thành lập và hoạt động của các Tổ hợp tác, Hợp tác xã dịch vụ chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản, vận tải, xây dựng, tín dụng, xã hội hóa đầu tư phát triển các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa và du lịch để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân khu vực nông thôn. Thực hiện việc nhân cấy nghề, tạo việc làm cho người lao động để tăng thu nhập và giảm hộ nghèo bền vững, thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội./.
NT (Theo Chinhphu.vn)