Chủ trương DĐĐT đang mang lại hiệu ứng tích cực đối với mục tiêu sản xuất nông nghiệp của huyện Gia Lâm nói riêng, Thủ đô nói chung. Thông qua khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, đã tạo thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, phát triển những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, qua đó, nâng cao giá trị sản xuất các ngành hàng nông nghiệp. 17 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, 18 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản theo hướng hàng hóa, cùng hàng nghìn héc-ta cây ăn quả tập trung… Giá trị sản xuất trên một héc-ta canh tác của huyện đạt 212 triệu đồng là kết quả đáng ghi nhận từ thành công của quá trình DĐĐT.
Dù vậy, theo thống kê, toàn huyện Gia Lâm còn 1.375ha đất nông nghiệp thuộc 6 xã (Lệ Chi, Dương Quang, Kim Sơn, Phú Thị, Trung Mầu, Văn Đức) chưa hoàn thành DĐĐT. Vừa qua, huyện Gia Lâm đã phê duyệt phương án DĐĐT cho 7.060 hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích gần 1.148ha. Tuy nhiên, vẫn còn một thôn thuộc xã Dương Quang và 5 thôn của xã Trung Mầu chưa xây dựng được phương án. Bên cạnh DĐĐT, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau DĐĐT cũng được huyện Gia Lâm tập trung triển khai. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn trên 2% hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp đổi giấy chứng nhận.
Đánh giá về nguyên nhân khiến tiến độ DĐĐT đạt khá chậm so với mặt bằng chung của Thành phố, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Địa phương đang trên đà phát triển, người dân không muốn dồn ghép do có tâm lý trông chờ đền bù theo các dự án. Đối với tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vướng mắc phổ biến là người đứng tên trên giấy chứng nhận vắng mặt tại địa phương, hoặc đã qua đời. Trong nội bộ gia đình chưa thống nhất việc thừa kế tài sản dẫn tới có tranh chấp, khiếu kiện. Ngoài ra, việc chuyển nhượng đất đai giữa các bên không có giấy tờ dẫn tới khó khăn trong quá trình cấp đổi…
Để từng bước hoàn thành công tác DĐĐT, thúc đẩy các mục tiêu phát triển nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn. Trong đó, giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu được chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như vai trò quan trọng của DĐĐT. Cùng với đẩy nhanh tiến độ hoàn thành DĐĐT và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, huyện cũng chủ động nâng cấp hạ tầng gắn với xây dựng các phương án chuyển đổi sản xuất phù hợp. Trước mắt, sẽ tập trung triển khai các dự án phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp tại 7 xã (Yên Thường, Yên Viên, Lệ Chi, Trung Mầu, Kim Sơn, Phú Thị, Dương Quang) với tổng kinh phí khoảng 103 tỷ đồng./.
NT (Theo KTĐT)