Theo Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Gia Lâm Phạm Thị Hường, trạm đã phối hợp với Phòng Kinh tế huyện nắm bắt tình hình dịch và chỉ đạo cán bộ thú y các xã, thị trấn chủ động kiểm tra, giám sát, triển khai biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm tiến độ và kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã hoàn thành tiêm phòng vắc xin đại trà cho đàn gia súc, gia cầm, với 5.700 liều vắc xin phòng viêm da nổi cục; 8.075 liều vắc xin phòng dịch lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, lợn; 4.000 liều vắc xin phòng dịch tai xanh, dịch tả lợn; 11.210 liều vắc xin phòng dại cho đàn chó, mèo; 131.800 liều vắc xin phòng cúm gia cầm. Huyện cũng hoàn thành 4 đợt tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường trên tổng diện tích 5.960.000m2, sử dụng 3.750kg, lít hóa chất các loại.
Anh Trần Anh Vũ, chủ trang trại nuôi gà ở thôn Đổng Viên (xã Phù Đổng) chia sẻ, gia đình anh phát triển kinh tế theo mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng thương phẩm từ năm 2009. Ban đầu chỉ có 3.000 con, đến nay mô hình đã tăng lên 15.000 con. Gà được nuôi gối 3 lứa, mỗi lứa 5.000 con, từ khi 1 ngày tuổi. Sau 5,5 tháng, gà sẽ đẻ trứng và gối tiếp lứa sau…
Mỗi năm, gia đình anh Vũ luân phiên khai thác trứng thương phẩm từ 2 lứa gà, tổng 10.000 con, doanh thu đạt hàng tỷ đồng mỗi năm. Trang trại cũng tạo việc làm ổn định cho 5 lao động thường xuyên, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng và một số lao động thời vụ. “Do chăn nuôi gà với số lượng lớn, nên chúng tôi rất chú trọng công tác phòng dịch, sử dụng vôi bột rắc xung quanh chuồng trại chăn nuôi. Các phương tiện vận chuyển thức ăn, trứng… ra, vào trang trại đều được phun khử khuẩn, công nhân mặc bảo hộ lao động. Bên trong chuồng trại luôn thông thoáng, sạch sẽ và áp dụng nghiêm quy trình tiêm vắc xin phòng dịch bệnh cho đàn gà”, anh Vũ nói.
Xã Phù Đổng hiện có 1.629 con trâu, bò sữa, bò thịt; 2.892 con lợn; 35.200 con gia cầm. Theo Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh, thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, trong gần 7 tháng của năm 2023, xã đã tổ chức tiêm phòng dịch bệnh được hơn 90% đàn gia súc, gia cầm và tiếp tục triển khai các biện pháp vệ sinh, phòng dịch trong thời gian tới.
Trong khi đó, tại xã Văn Đức, nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng tuân thủ nghiêm công tác phòng dịch. Từ đầu năm đến nay, xã Văn Đức đã tổ chức phun tiêu độc, khử trùng môi trường, tiêm phòng các loại vắc xin phòng dịch, bệnh cho hơn 5.000 con lợn, 800 con bò… Ông Đinh Trọng Quý ở thôn Sơn Hô (xã Văn Đức) cho hay, gia đình ông chăn nuôi hơn 200 con lợn thương phẩm. Do trước đây làm công tác thú y của thôn, nên ông Quý luôn hiểu rõ việc chăm sóc, phòng dịch cho đàn gia súc. Nhờ vậy, nhiều năm qua, trang trại của ông xuất bán những đàn lợn đạt chất lượng, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, được khách hàng tin tưởng.
Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Gia Lâm Phạm Thị Hường cho biết, đơn vị đã tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ thú y cấp xã; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; phối hợp với Đài Truyền thanh huyện thường xuyên tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm… để người dân biết, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về chăn nuôi. Ngoài ra, trạm cũng phối hợp với đơn vị chức năng của huyện thực hiện nghiêm khâu kiểm dịch nhập, xuất, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn, nhằm bảo đảm cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường.
“Trong gần 7 tháng của năm 2023, huyện Gia Lâm đã kiểm dịch nhập về 310.000 con gia cầm, 1.918 con trâu bò; kiểm dịch xuất đi gần 111.000kg gia cầm, hơn 9.200kg trâu, bò, gần 3.200kg lợn; kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y hơn 311.000 con gia súc, gia cầm. Thời gian tới, huyện Gia Lâm tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm”, bà Phạm Thị Hường chia sẻ./.
TA (Theo Báo HNM)