Giá gạo trắng Việt Nam ngày 17/8 đang được giao dịch ở mức 488-492 USD/tấn với gạo 5%, 463-467 USD/tấn với gạo 25% tấm. Đó là thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam.
So với giá gạo trắng cùng loại của các nước xuất khẩu lớn ở trong Top 5 là Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Myanmar, thì giá gạo trắng Việt Nam hiện đang cao nhất.
Cụ thể, cũng trong ngày 17/8: giá gạo 5% tấm của Thái Lan là 481-485 USD/tấn, gạo 25% tấm 458-462 USD/tấn; gạo 5% tấm của Ấn Độ từ 368-372 USD/tấn, gạo 25% tấm 348-352 USD/tấn; gạo 5% tấm của Pakistan từ 416-420 USD/tấn, gạo 25% tấm từ 363-367 USD/tấn; gạo 5% tấm của Myanmar từ 443-447 USD/tấn.
Thực ra, giá gạo trắng hiện tại đã giảm so với mức cao nhất đạt được vào ngày 11/8. Vào thời điểm ấy, gạo 5% tấm Việt Nam đã tiến gần tới mốc 500 USD/tấn khi được giao dịch ở mức 493-497 USD/tấn.
Trong tháng 7 vừa qua, giá gạo trắng Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan. Từ giữa tháng 7, giá gạo trắng Việt Nam có xu hướng tăng lên trong khi giá gạo Thái Lan thì ngược lại.
Do đó, đến cuối tháng 7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã ngang bằng với giá gạo cùng loại của Thái Lan. Tới ngày 3/8, lần đầu tiên kể từ tháng 12/2018, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã vượt lên và luôn duy trì ở mức cao hơn so với gạo Thái Lan cho đến thời điểm hiện tại.
Vì sao gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất trong 5 nước xuất khẩu lớn? Theo thông tin từ một số doanh nhân ngành gạo, nguồn cung gạo trắng trên thị trường đang khá hạn chế, trong khi nhu cầu nhập khẩu đang tăng ở nhiều thị trường, đã tác động không nhỏ tới việc tăng giá gạo trắng xuất khẩu của Việt Nam trong những ngày qua.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, cho rằng, Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ 1/8, trong đó, Việt Nam được xuất khẩu 80 ngàn tấn gạo vào EU theo hạn ngạch thuế quan, cũng đã có tác động tích cực tới giá gạo xuất khẩu của Việt Nam. Thâm nhập được vào thị trường khó tính nhưng có giá mua cao như EU sẽ góp phần không nhỏ làm tăng uy tín và giá trị xuất khẩu của gạo Việt Nam nói chung.
Cũng theo ông Phạm Thái Bình, thị trường xuất khẩu gạo hiện đang rất thuận lợi. Dự báo sự thuận lợi này sẽ còn kéo dài đến hết năm nay và có thể sang tới năm sau. Với sự thuận lợi đó, năm nay, Việt Nam có thể xuất khẩu được ít nhất 6,5 triệu tấn gạo.
Theo nhận định của một số nguồn tin quốc tế, trong năm nay, Việt Nam có thể qua mặt Thái Lan về lượng gạo xuất khẩu. Bởi trong khi xuất khẩu gạo của Việt Nam đang khá ổn định thì xuất khẩu gạo của Thái Lan lại có xu hướng giảm mạnh.
Thông tin từ Bộ Thương mại Thái Lan, cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất khẩu của nước này chỉ đạt 2,89 triệu tấn, giảm tới 34% so với cùng kỳ năm 2019. Đồng Baht Thái liên tục tăng giá so với USD, ảnh hưởng của hạn hán tới sản xuất lúa…, là những nguyên nhân quan trọng làm giảm khá nhiều lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan.
Do gặp nhiều khó khăn về xuất khẩu, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã hạ dự báo về lượng gạo xuất khẩu trong cả năm nay của nước này xuống còn khoảng 6,5 triệu tấn so với mức 7,5 triệu tấn trong dự báo trước đó. Nếu chỉ xuất khẩu được 6,5 triệu tấn gạo trong năm nay, ngành gạo Thái Lan sẽ có một năm mà lượng gạo xuất khẩu ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt trên 4 triệu tấn, tương đương 1,95 tỷ USD, giá trung bình 487,2 USD/tấn. So với cùng kỳ 2019, xuất khẩu gạo 7 tháng qua tăng 0,6% về lượng, 12,5% về giá và tăng 13,1% kim ngạch so với 7 tháng đầu năm 2019./.
Theo Báo NNVN