Ghi nhận mô hình trình diễn lúa vụ Xuân tại huyện Quốc Oai
Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, vụ Xuân vừa qua Trạm khuyến nông huyện Quốc Oai đã triển khai 2 mô hình trình diễn lúa đó là: mô hình trình diễn giống lúa Nếp Cô tiên gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Cấn Thượng, xã Cấn Hữu và mô hình trình diễn giống lúa mới năng suất, chất lượng LTH31. Mô hình trình diễn đã cho kết quả tốt, bà con nông dân rất phấn khởi.
Mô hình cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm – giống lúa Nếp Cô tiên tại HTXNN Cấn Thượng, xã Cấn Hữu có quy mô 20 ha với 62 hộ tham gia. Giống lúa Nếp Cô tiên có thời gian sinh trưởng ngắn gần như nếp 97, cây thấp, chống đổ tốt, khả năng đẻ nhánh khá, chịu được rét, chống chịu đạo ôn, khô vằn tốt, tỷ lệ bông hữu hiệu cao, số hạt chắc khá đồng đều giữa các bông, hạt gạo to, đẹp, chất lượng ngon, thích hợp cấy cả vụ xuân và vụ mùa,. Theo đó, mô hình được Trung tâm khuyến nông Thành phố Hà Nội hỗ trợ 100% giống lúa Nếp cô tiên tương đương 1.000kg và hỗ trợ 5.880kg phân bón gồm đạm, lân và kali clorua. Trong quá trình triển khai mô hình, Trạm Khuyến nông huyện đã tích cực phối hợp với Hội đồng quản trị HTX tổ chức tập huấn, khảo sát chọn địa điểm phù hợp, hướng dẫn cho bà con nông dân các biện pháp kỹ thuật áp dụng vào sản xuất ngay từ khâu làm đất, gieo cấy và chăm sóc lúa. Đến nay mô hình đã thu được kết quả tốt, năng suất đạt trên 57 tạ/ha
Điểm mới của mô hình là đến kỳ thu hoạch, sản phẩm sẽ được Công ty TNHH Nông nghiệp Nhiệt đới đến tận ruộng thu mua thóc tươi cho bà con với giá khá cao khoảng 7.000 đ/kg. Như vậy, người nông dân không phải phơi thóc như trước đây nữa. Mô hình đã tiết kiệm thời gian, công sức của xã viên, đồng thời giải quyết đầu ra cho sản phẩm ngay tại ruộng, giúp bà con yên tâm sản xuất. Đến nay, cơ bản diện tích đất trồng lúa của huyện Quốc Oai đã dồn điền đổi thửa, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh phát triển theo hướng bền vững có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Do đó, các mô hình sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giúp giảm giá thành, tăng lợi nhuận cho bà con nông dân là rất cần thiết. Đặc biệt, mô hình nhận được sự đồng thuận của bà con trong việc triển khai theo mô hình trên cánh đồng mẫu lớn để cùng thực hiện quy trình sản xuất, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, qua đó, gắn kết giữa doanh nghiệp với người nông dân.
Đối với mô hình trình diễn giống lúa mới năng suất, chất lượng, Trạm đã lựa chọn giống lúa thơm LTH31 để cấy trình diễn tại hợp tác xã Cộng Hòa với quy mô 10 ha. Đây là giống lúa do Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa thuần, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm chọn từ tổ hợp lai HT1/IA CUBA 28 và được giao bản quyền sản xuất kinh doanh cho Công ty Cổ phần Giống Nông nghiệp Việt Nam từ năm 2016.
Thực tế triển khai sản xuất cho thấy, lúa thơm LTH31 có thời gian sinh trưởng từ 118 – 120 ngày, khả năng đẻ nhánh khá, tình hình sâu bệnh hại: ít nhiễm đạo ôn, khô vằn, chiều dài cây 104 cm, chiều dài bông 27 cm, tỷ lệ bông đạt 263 bông/m2, tỷ lệ hạt chắc 123 hạt trên bông, năng suất đạt 234kg/sào. Đây là giống lúa chất lượng cao: Gạo trắng trong, không bạc bụng, cơm thơm mềm, vị đậm.
Các mô hình nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ Thành phố tới cơ sở, có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân tham gia chương trình. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật trước khi thực hiện mô hình. Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông huyện cử cán bộ chỉ đạo mô hình thường xuyên bám sát thực tế, kịp thời hướng dẫn cho bà con nông dân các biện pháp kỹ thuật áp dụng vào sản xuất ngay từ khâu làm đất, gieo cấy và chăm sóc lúa. Nhờ đó, các mô hình khuyến nông trình diễn vụ Xuân vừa qua trên địa bàn huyện Quốc Oai đã đạt được nhiều thắng lợi. Các mô hình này sẽ được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục triển khai tại vụ Mùa để đánh giá khả năng thích nghi với đồng đất, điều kiện thời tiết và trình độ thâm canh của địa phương./.
Lưu Phượng – Trung tâm Khuyến nông Hà Nội