Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Gặp chủ nhân của 8 sản phẩm hương an toàn đạt chuẩn OCOP

Nhầm tưởng phổ biến là thích hương đốt cuộn tàn, cho rằng có nhiều lộc. Lộc đâu không biết nhưng độc vì phải nhúng tăm hương vào hóa chất.



"Không nhúng tăm hương vào hóa chất là cháy đâu rụng tàn đấy. Hương thông thường còn có cả bột chống mốc nên khi đốt lên thấy khét trong hốc mũi, cổ họng. Còn hương an toàn của nhà em sử dụng tăm mộc, không nhúng vào hóa chất, các loại bột tự nhiên như quế, thuốc bắc, nhựa trám, rễ nhang bài, ngải cứu, bồ kết, sả…". Khi đốt thấy mùi ngọt, dịu, thơm mát, nếu lỡ có vương tàn vào đồ ăn, thức uống thì vẫn không sao. Nguyễn Thu Phương - chủ nhân của 8 sản phẩm hương an toàn thương hiệu Từ Bi Hương đạt OCOP ở xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội chia sẻ.

Chúng tôi ngồi nói chuyện trong khói hương trầm mặc. Hương nhựa trám cho mùi cổ truyền hay còn gọi mùi Tết vô cùng ấm cúng. Hương quế mùi thơm nhè nhẹ. Hương trầm mùi thơm ngọt, sang nhưng hơi mềm mại, tàn rồi mà còn ám mãi. Hương hoàng đàn cũng ngọt, sang nhưng lại kiểu quân tử đầy khí chất. Hương ngải cứu, khuynh diệp, bồ kết… thơm mùi đồng quê, thảo dược. Ngoài hương dùng cho mục đích tâm linh, hương còn dùng cho mục đích thiền hay thư giãn.

Xã Quảng Phú Cầu vốn có truyền thống làm chân hương và làm hương nhưng chỉ có mỗi cơ sở của Phương là đi tiên phong trong việc sản xuất hương an toàn. Cô kể, nhà mẹ đẻ của mình đã 2 thế hệ sản xuất hương. Năm 2010 cô lập gia đình, về chỗ mới dựng xưởng, dạy nghề cho cả nhà chồng. Lúc đầu chỉ bán nội địa nhưng Phương tự học ngoại ngữ rồi giới thiệu, bán hàng trên mạng, bán hàng trực tiếp với người nước ngoài. Dù nguyên liệu có lúc giá cao mà giá bán hàng lại xuống, tiền nong chi tiêu hàng tháng có khi còn không đủ, nhưng Phương vẫn cố gắng chèo lái.

Thế rồi, cơ sở cứ thế phát triển dần, đến đỉnh cao có 15 máy, 20 lao động, xuất khẩu mỗi tháng 1 container đi Ấn Độ, Malaysia, Ảrập. Hương xuất khẩu có đặc điểm là dùng bột gỗ không mùi, sau khi về nước họ mới tẩm tinh dầu vào. Xuất sang Ấn Độ có đạo Hindu thì hương rất ngắn, chỉ 20cm, màu đen, nâu để mỗi sáng trước khi đi làm người dân đốt hương, cầu nguyện chừng 20 phút. Xuất sang Malaysia, Ảrập thì hương dài 38cm, màu, xanh, đỏ, tím, vàng, thắp được chừng 1 tiếng. Mọi thứ đang làm ăn phát đạt thì năm 2018 thị trường Ấn Độ không nhập hương nữa bởi chủ trương tạo nghề cho chính dân bản địa, nhập máy, nhập nguyên liệu về cho dân tự làm. Lúc đó, Phương chỉ còn xuất khẩu sang Malaysia, Ảrập, mỗi năm 1 - 2 container.

Cánh cửa xuất khẩu này cũng bị đóng sập lại khi dịch Covid bất thần ập đến. Bế tắc, cô lo lắng không biết phải làm thế nào. Thậm chí chồng còn định bỏ xứ đi nước ngoài kiếm kế sinh nhai thì với con nhỏ ở nhà cô chỉ còn có nước bỏ nghề. Trong thời gian nhàn rỗi của dịch Covid, Phương thử nghiệm các loại mùi mới và mày mò làm hương an toàn đi chào hàng ở các cửa hàng dưới dạng ký gửi, hay bày bán ở các chợ, vừa giới thiệu vừa đốt ngay tại chỗ với hi vọng khách nghe sẽ xuôi tai, ngửi sẽ thấy thích. Mới đầu sản xuất cũng chỉ đủ cho vợ chồng sinh sống và trả nợ. Vài năm sau, khách đặt hàng nhiều, đủ cho Phương tự tin gửi sản phẩm của mình đi dự thi OCOP.

Trước đó cô phải đem từng sản phẩm của mình đi xét nghiệm để chứng minh với ban giám khảo OCOP là hương an toàn, không tồn dư các chất độc hại. Năm 2021 cô có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, năm 2022 cô có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao vì độ tinh tế lúc đó đã cao hơn hẳn. Bên cạnh vinh dự là chủ nhân của 8 sản phẩm OCOP, mới đây cô còn nhận niềm vui được phong tặng nghệ nhân sản xuất hương.

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP Hà Nội, Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội nhận xét những sản phẩm Từ Bi Hương là tâm huyết, là sự khác biệt của Nguyễn Thu Phương so với vô vàn các loại hương khác trên thị trường./.

TX (Theo nongnghiep.vn)