Theo đó, quan điểm của Đề án là phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển bền vững ngành ong theo chuỗi giá trị, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Phát triển nghề nuôi ong hàng hóa, dịch vụ gắn với sinh thái theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở phát huy kinh nghiệm phù hợp từ nghề nuôi ong truyền thống để tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần bảo vệ đa dạng sinh học trong nông nghiệp, tự nhiên.
Chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm ong có giá trị gia tăng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ mới, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của ngành ong; xã hội hóa và quốc tế hóa các hoạt động trong ngành ong.
Với những quan điểm đó, Đề án đặt ra những mục tiêu chung là phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của ngành ong, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm ong Việt Nam.
Sản phẩm hàng hóa của ngành ong được sản xuất chủ yếu từ các cơ sở nuôi ong chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Những mục tiêu cụ thể từ nay đến 2030 là duy trì số lượng từ 1,3 đến 1,5 triệu đàn ong được di chuyển theo nguồn hoa, nguồn mật, đạt năng suất mật bình quân cả nước trên 42 kg/đàn/năm đối với đàn ong ngoại và trên 18 kg/đàn/năm đối với đàn ong nội;
Tổng sản lượng mật ong ổn định 55 - 60 nghìn tấn/năm, trong đó xuất khẩu khoảng 80% và tiêu dùng nội địa khoảng 20%./.
TX (Theo nongnghiep.vn)