Nhờ đó, toàn huyện đến nay đã có 11 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả này góp phần thay đổi diện mạo các vùng quê, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn…
Có mặt tại xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn), những ngày đầu năm 2024, có thể cảm nhận rõ nét bộ mặt nông thôn nơi đây đang đổi thay toàn diện. Nổi bật nhất là hệ thống giao thông từ xã đến thôn được trải bê tông và thảm nhựa khang trang, hiện đại; các tuyến đường làng, ngõ xóm có điện chiếu sáng và rợp bóng cây xanh, bảo đảm hài hòa về cảnh quan môi trường; các nhà văn hóa được lắp wifi miễn phí.
Đặc biệt, xã Phù Linh còn xây dựng được mô hình “Tuyến phố 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt”... Bí thư Đảng ủy xã Phù Linh Trương Ngọc Lan cho biết, xác định xây dựng nông thôn mới cho người dân thụ hưởng nên từ năm 2022 đến nay, địa phương đã huy động gần 200 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp. Nhờ đó, đến nay, xã Phù Linh đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong khi đó, tại xã Tiên Dược cũng đã huy động được hơn 302 tỷ đồng và 5.300 ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới nâng cao. Kết quả, trong tháng 1-2024, địa phương này đã được đoàn thẩm định thành phố đánh giá, chấm điểm hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Chủ tịch UBND xã Tiên Dược Đỗ Mạnh Hùng khẳng định: “Nhờ thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới, kinh tế - xã hội của xã Tiên Dược có đà tăng trưởng khá, đời sống người dân được cải thiện. Điều đó thể hiện ngay tại thu nhập bình quân năm 2023 của xã đạt 75,84 triệu đồng/người/năm. Xã không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo chỉ còn 11 hộ, chiếm 0,15%”.
Ngoài hai xã trên, Sóc Sơn còn 9 xã khác đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Cụ thể, xã Phù Lỗ và xã Đức Hòa “về đích” nông thôn mới kiểu mẫu; các xã: Phú Minh, Phú Cường, Xuân Giang, Quang Tiến, Nam Sơn, Trung Giã và Mai Đình hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, vượt chỉ tiêu Đảng bộ huyện Sóc Sơn đề ra.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, để đạt kết quả trên, UBND huyện đã tham mưu Huyện ủy kiện toàn Ban Chỉ đạo, Tổ công tác triển khai Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Chương trình 02 của Huyện ủy Sóc Sơn. Đồng thời, Huyện ủy xây dựng kế hoạch, lộ trình, thời gian cụ thể, phân công rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong quá trình triển khai chương trình. Đặc biệt, trong năm 2022-2023, huyện phân bổ hơn 1.270 tỷ đồng cho các xã đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa đạt tiêu chuẩn và ưu tiên phát triển kinh tế nông thôn, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân, nâng thu nhập bình quân của huyện đạt 71,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,04%...
Ghi nhận kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện Sóc Sơn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, xây dựng nông thôn mới là hành trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Chính vì vậy, huyện Sóc Sơn dù đã có 11 xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu nhưng không bằng lòng với kết quả này mà cần tiếp tục quan tâm, huy động nguồn lực và sự ủng hộ của người dân để đầu tư nâng cao các tiêu chí, nhất là tiêu chí về môi trường, hạ tầng nông thôn, nước sạch, cơ sở vật chất trường học… Huyện phấn đấu trong năm 2024 có thêm 3 - 5 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao và 3 xã kiểu mẫu để trình thành phố Hà Nội công nhận Sóc Sơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025./.
TA (Theo Báo HNM)