Huyện đang phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn, dần hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm sản xuất theo hướng công nghệ cao.
Phát biểu tại Diễn đàn khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông tổ chức tại UBND huyện Ứng Hòa, ông Nguyễn Chí Viễn – PCT UBND huyện cho biết: Là một huyện thuần nông - Ứng Hòa có hơn 10.000ha diện tích đất nông nghiệp, với đặc trưng của địa hình trũng, thấp nên huyện đã quan tâm, đầu tư cho phát triên chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tính đến nay đàn lợn trên toàn huyện có 66.213 con, đàn gia cầm có 2.342.644 con; toàn huyện có 3.820 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Năm 2020, huyện đã đề ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản như thường xuyên thực hiện tốt việc tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng tại các ổ dịch cũ, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến động vật trên địa bàn huyện; hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy sản khử trùng ao nuôi, thực hiện hiệu quả phòng chống dịch bệnh đối với động vật thủy sản,… Bằng nhiều hình thức tuyên truyền đến người nông dân, tại diễn đàn Nhịp cầu nhà nông các chuyên gia và nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đã giải đáp hàng trăm câu hỏi của nông dân, nêu lên những vướng mắc, khó khăn mà người nông dân gặp phải trong quá trình trực tiếp sản xuất. Một số bệnh mới, những biểu hiện và cách nhận biết cũng như phác đồ điều trị đã được các chuyên gia tận tình hướng dẫn cho người chăn nuôi. Đặc biệt vấn đề chất lượng nước trong nuôi trồng thủy sản được rất nhiều đại biểu đặt câu hỏi.
Trả lời cho những vấn đề này các chuyên gia cho biết: Nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản hiện nay của huyện đã gặp nhiều khó khăn do nguồn nước sạch từ sông cung cấp cho các ao nuôi đã bị ô nhiễm, nước dùng cho nuôi trồng thủy sản vẫn chủ yếu là nước giếng khoan, bên cạnh đó tập quán chăn nuôi người dân vẫn sử dụng chất thải trong chăn nuôi dùng cho nuôi trồng thủy sản, điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn nước ao nuôi và khơi nguồn của nhiều mầm bệnh. Đặc biệt nhiều hộ nông dân vẫn sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, thuốc nằm trong danh mục thuốc cấm sử dụng điều đó sẽ gây hại rất nhiều đến quá trình nuôi trồng thủy sản cũng như chất lượng sản phẩm đầu ra.
Khắc phục những thói quen và cách làm cũ, các chuyên gia khuyến cáo hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, bổ sung men vi sinh và chế phẩm sinh học có lợi cho vật nuôi và môi trường, thường xuyên bổ sung nguồn nước sạch, vệ sinh và khử trùng ao nuôi; phát triển chăn nuôi theo hướng tăng trưởng bền vững, hướng tới lợi ích lâu dài và bền vững./.
Ngọc Bích