Với dân số khoảng 10 triệu người, nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của Thành phố năm 2017 ước khoảng 324.000 tấn/năm, khoảng 900 tấn/ngày. Lượng thịt gia súc, gia cầm hàng ngày được cung cấp từ các cơ sở giết mổ được kiểm soát trên địa bàn Thành phố khoảng 435 tấn/ngày, nguồn thịt nhập khẩu có kiểm soát khoảng 100 tấn/ngày đáp ứng khoảng 60,33 % nhu cầu tiêu thụ.
Hoạt động quản lý giết mổ trên địa bàn Thành phố là rất quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu về đảm bảo ATTP cho người tiêu dùng. Theo số liệu thống kê năm 2017, hiện nay trên địa bàn Thành phố có 1.070 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong đó, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thủ công 1.048 cơ sở, cơ sở giết mổ bán công nghiệp 15 cơ sở; cơ sở giết mổ công nghiệp 7 cơ sở. Tổng số cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh là 168 cơ sở.
Năm 2017 mặc dù còn nhiều khó khăn về thời tiết khí hậu, diễn biến dịch bệnh phức tạp khó lường, nhất là việc phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ kéo theo hệ lụy là giết mổ nhỏ, lẻ song với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của ngành Thú y, việc quản lý giết mổ trên địa bàn thành phố năm 2017 đã có chuyển biến tích cực, tạo những điểm nhấn tích cực làm tiền đề cho những năm tới.
Thứ nhất: Sự vào cuộc của các cấp chính quyền thực hiện việc quy hoạch giết mổ và hình thành các khu giết mổ tập trung
Từ năm 2012, Hà Nội đã có quy hoạch giết mổ (theo quyết định số 5791 của UBND Thành phố) tuy nhiên việc triển khai trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân có nhiều song chủ yếu việc bố trí địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương, chính quyền địa phương chưa kêu gọi được nhà đầu tư, không bố trí được quỹ đất xây dựng, không bố trí được vốn đầu tư; khó khăn trong quá trình giải phóng mặt bằng, các thủ tục triển khai dự án còn phức tạp. Trong khi đó, nhu cầu thực tế về chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ ở một số vùng chưa được quy hoạch đang rất cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương đồng thời giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.
Xác định được nguyên nhân, năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã để rà soát bổ sung các điểm giết mổ để triển khai có hiệu quả. Đến nay, Thành phố ban hành Quyết định số 5003/QĐ-UBND ngày 28/7/2017 về việc điều chỉnh, bổ sung Phụ lục 1 tại Quyết định số 5791/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 của UBND thành phố về việc phê duyệt Quyết định quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020. Theo đó, có 16 điểm giết mổ thuộc 07 huyện được bổ sung quy hoạch (gồm Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng, Ứng Hòa, Mê Linh, Thị xã Sơn Tây). Một số huyện hiện đã và đang tập trung triển khai các cơ sở giết mổ trong quy hoạch để giảm dần cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (như Chương Mỹ, Mê Linh, Đan Phượng, Thanh Oai...). Huyện Thanh Trì duy trì tốt cơ sở giết mổ tập trung tại xã Vạn Phúc. Hiện cơ sở này đang có công suất giết mổ bình quân từ 1.700 đến 2000 con/ngày, điều đáng ghi nhận đó là đến nay là huyện duy nhất không để tồn tại điểm giết mổ nhỏ lẻ.
Thứ hai: Xu thế giết mổ tập trung được các cấp chính quyền quan tâm, người chăn nuôi, người kinh doanh, hoạt động giết mổ đồng thuận cao
Năm 2017 cũng là năm các cấp chính quyền đã tập trung triển khai Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 06/5/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020. Một số huyện tiếp tục rà soát quy hoạch để đề xuất thành phố bổ sung quy hoạch phù hợp với vùng, xã chăn nuôi trọng điểm. Tập trung triển khai quy hoạch đã được Thành phố phê duyệt để đưa các hộ giết mổ nhỏ lẻ vào tập trung giết mổ. Đã tuyên truyền, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giết mổ tập trung (Mê Linh, Chương Mỹ, Phúc Thọ ...)
Về phía người chăn nuôi, nhất là hộ tham gia giết mổ tại các cơ sở, khi được trả lời, 100% đều khẳng định bản thân các hộ luôn mong các cấp chính quyền tạo điều kiện về đất đai, cơ chế chính sách để họ được ra khu giết mổ tập trung để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, các hộ cũng băn khoăn, trăn trở về việc họ chuyển đổi ra khu tập trung hiện đang gặp quá nhiều khó khăn về thủ tục chuyển đổi đất đai, khó khăn về vốn xây dựng vì ra khu giết mổ tập trung đòi hỏi phải có điều kiện kinh tế để xây dựng lò mổ đảm bảo môi trường, phải trang bị dụng cụ trang thiết bị giết mổ đúng quy định rất tốn kém trong khi đó điều kiện kinh tế họ còn gặp khó khăn.
Thứ ba: Kết quả quản lý hoạt động giết mổ với những con số đáng ghi nhận so cùng kỳ 2016
Duy trì kiểm tra, kiểm soát giết mổ tại các lò, điểm giết mổ với trâu, bò 68.348 con (so với cùng kỳ năm 2016 tăng 98,8 %); lợn 1.341.587 con (tăng 24,4 %); gia cầm: 8.838.216 con (tăng 5,3 %).
Đây cũng chính là sự nỗ lực của các cấp, các ngành và ngành thú y, từ việc tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức đến việc tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến việc quản lý giết mổ. Kiểm tra các cơ sở giết mổ, các điểm kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, xử lý vi phạm hành chính đối với các hộ cố tình vi phạm. Trong năm 2017, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ đã xử lý, cảnh cáo 280 trường hợp; tiêu huỷ 259 trường hợp động vật và sản phẩm động vật gồm 308 con lợn; 2.481 con gia cầm lông, 871,6 kg gia cầm lông; thịt bò 1768,7 kg; thịt lợn 2819 kg; thịt gia cầm 1344,8 kg và 370 con gia cầm đã giết mổ; sản phẩm động vật khác dùng làm thực phẩm 4062,8 kg, sản phẩm động vật khác không làm thực phẩm 930 kg.
Viêc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là biện pháp hữu hiệu để đảm bảo nghiêm kỷ cương của pháp luật đồng thời răn đe những hành vi vi phạm trong các hoạt động liên quan đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm tại các cơ sở giết mổ và cơ sở tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, an sinh xã hội.
Thứ tư: Hoạt động quản lý giết mổ gắn với an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng
Đến nay, từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng đã nhận thức rõ việc muốn đảm bảo an toàn thực phẩm thì phải đảm bảo ngay từ khâu giết mổ. Một thực tế cho thấy nếu điều kiện giết mổ không đủ điều kiện vệ sinh thú y thì thực phẩm sẽ bị nhiễm khuẩn, hơn nữa qua kiểm tra cho thấy, còn có cơ sở giết mổ dùng chất tạo nạc ,chất cấm, thuốc an thần hoặc bơm nước vào động vật trước khi giết mổ để thu lợi bất chính. Năm 2017, Chi cục Thú y đã tiến hành lấy 1.400 mẫu nước tiểu tại các cơ sở giết mổ động vật, kiểm tra bằng phương pháp test nhanh để phát hiện chất cấm Salbutamol. Kết quả 1400/1400 mẫu nước tiểu âm tính với chất Salbutamol. Triển khai lấy là 160 mẫu (thịt lợn, thịt gà) tại 36 cơ sở giết mổ động vật phân tích tồn dư chất cấm (Salbutamol, clenbuterol), E.coli và salmonela. Kết quả 160/160 mẫu âm tính Salbutamol, clenbuterol, 02/80 mẫu nhiễm salmonela, 80/80 mẫu phân tích E.coli nằm trong giới hạn cho phép. Đã đánh giá phân loại 04 cơ sở giết mổ động vật cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Kiểm tra chất cấm, vi sinh vật: Sử dụng xe chuyên dụng; lấy mẫu thịt, nước tiểu tại các chợ, cơ sở giết mổ và hộ chăn nuôi với tổng số mẫu đã lấy là 4.705 mẫu.
Thứ năm: Quản lý hoạt động giết mổ gia súc gia cầm gắn với xây dựng liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm
Tại buổi đánh giá hoạt động liên kết chuỗi giữa Hà Nội với các tỉnh thành phía Bắc (ngày 24/12/2017), lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT (Thứ trưởng Vũ Văn Tám) và Lãnh đạo UBND Thành phố (Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Văn Sửu) đã ghi nhận việc liên kết chuỗi tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật đã có những chuyển biến tích cực từ hoạt động quản lý nhà nước đến nhận thức của người tiêu dùng. Đã tạo được nhiều chuỗi liên kết từ chăn nuôi - giết mổ - đến chế biến tiêu thụ sản phẩm, ghi nhận nhiều cơ sở đã tham gia xây dựng chuỗi tiêu thụ tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Điển hình như Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long, cơ sở chăn nuôi lợn sinh học Bảo Châu, cơ sở sản xuất gia cầm, trứng gia cầm Tiên Viên, cơ sở giết mổ Vinh Anh. Chắc chắn những cơ sở này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Thứ sáu: Những giải pháp hữu hiệu cho hoạt động quản lý giết mổ năm 2018 và những năm tới
Mặc dù còn nhiều khó khăn song Hà Nội đã đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho năm 2018 và những năm tới, đó là tập trung tham mưu đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục triển khai Quyết định số 5791/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 của UBND Thành phố và các điểm đã được bổ sung quy hoạch theo Quyết định số 5003/QĐ-UBND ngày 28/7/2017 về việc điều chỉnh, bổ sung Phụ lục 1 tại Quyết định số 5791/QĐ-UBND. Đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động giết mổ. Tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan triển khai hỗ trợ về chi phí giết mổ theo Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 06/7/2012 của UBND thành phố Hà Nội cho các cơ sở. Kiểm tra các cơ sở hiện đang giết mổ nhưng không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, chưa được chính quyền địa phương cho phép, đề xuất chính quyền địa phương cho dừng hoạt động. Tập trung triển khai các cơ sở hiện đang giết mổ với số lượng lớn, đề xuất chính quyền địa phương trong thời gian chờ quy hoạch cho phép cơ sở thực hiện việc giết mổ tạm thời (có thời hạn) khi đó cơ quan thú y sẽ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hàng ngày theo quy định. Tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý. Xử lý nghiêm các cơ sở giết mổ, kinh doanh trái quy định. Tổ chức quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh tại các quận nội thành, kiên quyết xử lý sản phẩm động vật không có dấu KSGM để chủ hộ vào mua sản phẩm động vật tại các cơ sở giết mổ đã được quản lý. Hướng dẫn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung theo quy hoạch, đề xuất với chính quyền địa phương cương quyết xử lý, xóa bỏ và nghiêm cấm hoạt động giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, môi trường và an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm phổ biến pháp luật, các chế độ chính sách, các quy định đối với người sản xuất kinh doanh có hoạt động giết mổ; định hướng người tiêu dùng thay đổi thói quen tiêu dùng chuyển sang lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có bao gói, tem nhãn./.
Nguyễn Ngọc Sơn