Hoàn thành mục tiêu trong khó khăn
Vụ xuân 2022, Hà Nội cơ bản vẫn đạt kế hoạch đề ra, năng suất trung bình ước đạt 60 tạ/ha dù thời tiết diễn biến bất thường, ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng sinh trưởng, phát triển của các trà lúa cũng như giá các loại vật tư “đầu vào” tăng cao…
Phó Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Ứng Hòa Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Ứng Hòa gieo cấy hơn 8.000ha lúa xuân, dự kiến từ ngày 25-5 bắt đầu thu hoạch. Nhưng do ảnh hưởng của thời tiết, lúa chưa chín rộ nên từ ngày 2-6 mới vào vụ thu hoạch chính và dự kiến ngày 12-6 cơ bản hoàn thành thu hoạch lúa xuân. Mặc dù năng suất lúa không cao bằng vụ xuân 2021 nhưng vẫn đạt trên 65 tạ/ha.
Tương tự tại các huyện: Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín, Phúc Thọ... mặc dù sản xuất vụ xuân gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn hoàn thành các mục tiêu đề ra. Nói về "bí quyết" giữ được năng suất lúa, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Hoàng Thị Tuyết chia sẻ: Thứ nhất, cơ cấu 80% giống lúa chất lượng cao, có năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Thứ hai, chú trọng phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ, chủ động phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Thứ ba, sử dụng phân bón cân đối, hợp lý, tiết kiệm; hạn chế bón phân đạm ở thời kỳ lúa đứng cái, làm đòng để đề phòng bệnh đạo ôn và bệnh bạc lá... Theo đó, hầu hết các hợp tác xã không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với cây lúa trong vụ xuân.
Về thời gian thu hoạch chậm so với dự kiến, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Mai Minh Hương lý giải: Vụ xuân năm 2022, Hà Nội gieo cấy được gần 84.000 ha lúa, đạt 102,7% kế hoạch. Một số diện tích lúa gieo cấy sớm để tránh lũ tiểu mãn ở các huyện như: Quốc Oai, Thạch Thất... bị ngập do mưa lớn phải thu hoạch trước thời điểm dự kiến. Diện tích lúa chính vụ cũng bị các đợt không khí lạnh muộn và kéo dài nên trỗ muộn, thời gian chín kéo dài.
Chủ động các giải pháp sản xuất vụ mùa
Dự báo vụ mùa 2022 của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc luôn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, đầu vụ gieo cấy có thể gặp mưa lớn gây ngập úng cục bộ, đặc biệt ở những vùng đất thấp, không thể chủ động tiêu thoát nước. Trước thực tế đó, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đề nghị các địa phương khẩn trương thu hoạch lúa xuân 2022 theo phương châm "xanh nhà hơn già đồng", đồng thời thực hiện nguyên tắc gieo cấy vụ mùa càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, để bảo đảm vụ sản xuất kế tiếp không bị thiệt hại thêm, các địa phương chủ động bám sát đồng ruộng, tổ chức nhân lực, vật lực để thu hoạch lúa trong thời gian nhanh nhất.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Triều (xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên) Nguyễn Khắc Đức cho biết: Chưa năm nào nông dân vất vả như năm nay, do lúa chín muộn hơn dự kiến, trong khi các loại giống và vật tư nông nghiệp tăng từng ngày, nên để bảo đảm tiến độ gieo cấy vụ mùa, địa phương vừa tranh thủ thu hoạch nhanh gọn lúa xuân, vừa tranh thủ vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch để sẵn sàng gieo cấy vụ mùa.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Lê Tiến Xuân thông tin: Với gần 7.000 ha lúa xuân, địa phương đã chuẩn bị phương án hàng trăm máy gặt đập liên hợp để tiến hành thu hoạch nhanh, thu hoạch tới đâu, khẩn trương làm đất, gieo cấy vụ mùa để tránh rủi ro do thời tiết. Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng, xác định vụ mùa sẽ gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết cũng như sâu bệnh gây hại, do vậy, Phòng phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân chấp hành khung lịch mùa vụ, chuẩn bị giống, phân bón...
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lê Văn Trường, nông dân thu hoạch đến đâu làm đất, vùi sâu gốc rạ đến đó, giữ nước trên ruộng... Ngoài ra, nên bón thêm vôi bột hoặc một số chế phẩm sinh học để tăng cường phân hủy rơm rạ, hạn chế nguồn sâu bệnh và tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa mùa.
Vụ mùa, toàn thành phố dự kiến gieo trồng gần 95.000ha cây trồng, trong đó diện tích lúa là chủ lực với 73.999,2 ha. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: Trong bối cảnh giá vật tư sản xuất “đầu vào” tăng cao, các địa phương cần khuyến khích nông dân áp dụng biện pháp canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả để giảm chi phí sản xuất. Mặt khác, khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nguy cơ xuất hiện các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả... rất cao, do đó, các cơ quan chuyên môn, địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm nhằm ổn định thị trường vật tư nông nghiệp.../.
TX (Theo Báo HNM)