Theo Bộ Nông nghiệp & PTNT, hoạt động sản xuất lương thực tại các địa phương phía Bắc nhìn chung diễn ra đúng kế hoạch mùa vụ, khả năng cung ứng của các tỉnh phía Bắc đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm của địa phương và cung cấp cho các địa phương khác (Hải Phòng sản xuất gần 200.000 tấn/tháng, tiêu thụ nội tỉnh gần 40.000 tấn/tháng, cung cấp cho các tỉnh là 160.000 tấn/tháng; Nam Định sản xuất 55.000 tấn/tháng, tiêu thụ nội tỉnh là 44.000 tấn/tháng và cung cấp cho các tỉnh là 11.000 tấn/tháng...).
Riêng thị trường Hà Nội, tự sản xuất chỉ đạt 56.338 tấn/tháng (đáp ứng 65,6% nhu cầu), còn lại nhập từ các tỉnh khác là 36.632 tấn/tháng.
Sản lượng rau, quả sản xuất của các tỉnh đủ đáp ứng nhu cầu nội tỉnh và cung cấp cho các tỉnh khác. Tại Hà Nội nhu cầu rau, củ phục vụ tiêu dùng cần 103.300 tấn/tháng nhưng mới đáp ứng được 60.000 tấn/tháng (khoảng 58%), còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố khác.
Về thủy sản, hầu hết các tỉnh tự đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, riêng Hà Nội nhu cầu cần 19.250 tấn/tháng, nhưng khả năng đáp ứng là 10.150 tấn/tháng, còn lại nhập từ các tỉnh thành phố khác khoảng 47,3%.
Các tỉnh phía Bắc hiện nay phát triển chăn nuôi ổn định, sản lượng thịt gia súc, gia cầm và trứng cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng địa phương.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp còn chậm so với thời vụ thu hoạch kéo theo giá một số mặt hàng nông sản giảm. Giá thu mua các loại nông sản giảm trong khi giá vật tư sản xuất tăng (tăng 10-40% so với đầu năm 2021 tùy địa phương và đang có xu hướng tăng).
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước thực trạng khó khăn trong tiêu thụ nông sản ở các tỉnh phía Bắc, Bộ tiếp tục đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành phối hợp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản và vật tư nông nghiệp. Bộ tiếp tục bám sát diễn biến, tình hình sản xuất, chỉ đạo các địa phương duy trì hoạt động sản xuất nhằm bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và vật tư nông nghiệp phục vụ tại chỗ...
Bộ Nông nghiệp & PTNT tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương đàm phán với các cơ quan hữu quan Trung Quốc tháo gỡ lưu thông nông sản nhằm giúp người dân yên tâm sản xuất; đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải cần có biện pháp tháo gỡ về chi phí logistics trong xuất khẩu hàng hóa; chỉ đạo các tập đoàn phân phối trong nước tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, ưu tiên tiêu thụ sản phẩm nông sản tại địa phương - nơi có hoạt động của doanh nghiệp.../.
NT (Theo Hà Nội mới)