Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại nhãn chín muộn Hà Nội

Vừa qua, tại huyện Quốc Oai, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội phối hợp với UBND huyện Quốc Oai và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội tổ chức hội nghị "Hợp tác các tỉnh phát triển sản xuất, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc sản nhãn chín muộn thành phố Hà Nội năm 2018" nhằm qua đó quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng chuỗi liên kết tạo điều kiện tiêu thụ, phát triển, mở rộng thị trường các sản phẩm nông sản Thủ đô nói chung và sản phẩm nhãn chín muộn nói riêng.


Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu thăm các gian trưng bày bên lề Hội nghị phát triển sản xuất, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc sản nhãn chín muộn Thành phố Hà Nội

Theo báo cáo tại hội nghị, hiện toàn Thành phố có 17.776ha cây ăn quả. Trong số các loại cây ăn quả chiếm diện tích lớn, cây nhãn đứng ở vị trí thứ 3 với diện tích 1.722ha, trong đó, diện tích nhãn chín muộn có khoảng 600ha. Hàng năm, sản lượng nhãn chín muộn đạt khoảng 10.000 – 11.000 tấn, thu nhập bình quân 300 – 400 triệu đồng/ha/năm, một số vườn tiêu biểu cho thu nhập trên 800 triệu đồng/ha/năm. Năm 2018, nhãn chín muộn được mùa nhất từ trước đến nay với sản lượng ước đạt 25.000 tấn.

Định hướng đến năm 2020 diện tích sản xuất nhãn chín muộn toàn Thành phố đạt trên 1000 ha. Xây dựng các vùng sản xuất nhãn chín muộn an toàn, bền vững kết hợp với du lịch sinh thái tại các vùng ven sông Đáy, gồm: Xã Đại Thành (Quốc Oai) 200 ha; xã An Thượng, Đông Lao, Song Phương (Hoài Đức) 250 ha; xã Lam Điền, Thụy Hương (Chương Mỹ) 100 ha.

Hiện nay giống nhãn chín muộn tại Hà Nội chủ yếu gồm 2 giống nhãn HTM1 và HTM2 tập trung tại các huyện Quốc Oai, Hoài Đức và rải rác tại một số huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Đan Phượng, ….Quả nhãn chín muộn Hà Nội là một trong những sản phẩm đặc sản có sản lượng và diện tích lớn đã dần khẳng định được thương hiệu, chất lượng trên thị trường. Hiện nay, Sở NN&PTNT đã chứng nhận được 100 cây nhãn chín muộn đầu dòng, qua đó cung cấp hàng triệu mắt, cành ghép giống nhãn chín muộn cho các tỉnh bạn như: Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc… Đặc biệt, tại xã Đại Thành có cây nhãn tổ trên 120 năm tuổi. Nhãn chín muộn có đặc trưng của vị thơm ngọt, cùi dày, hạt nhỏ, chất lượng ngon. Thời gian thu hoạch muộn hơn các giống nhãn đại trà một tháng (từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 9 hàng năm). Xác định giống nhãn chín muộn là cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đồng thời, để bảo tồn và phát triển quy mô cây nhãn chín muộn, bảo đảm quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các hộ trồng nhãn trên địa bàn, năm 2013, UBND xã Đại Thành phối hợp với các cơ quan chức năng đã lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể "Nhãn chín muộn Đại Thành - Quốc Oai" trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Việc giống nhãn chín muộn Đại Thành được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với người trồng nhãn ở Đại Thành. Những năm qua, chính quyền và người dân địa phương đã tích cực gìn giữ, phát huy hiệu quả thương hiệu nhãn chín muộn và phát triển loại cây đặc sản này thành cây ăn quả chủ lực của địa phương.

Mặc dù, nhãn chín muộn của Hà Nội đạt năng suất cao, song sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở dạng quả tươi do nông dân tự tiêu hoặc qua kênh thương lái tự do nên giá thành bấp bênh, sản lượng tiêu thụ không ổn định. Để đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nhãn chín muộn, thời gian qua, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tích cực hỗ trợ các vùng sản xuất, khuyến khích nông dân sản xuất nhãn chín muộn theo quy trình an toàn, VietGAP. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật thâm canh và ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn chín muộn nhằm hướng tới xuất khẩu sang thị trường các nước.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao nỗ lực của Sở Nông nghiệp &PTNT, huyện Quốc Oai trong hoạt động phát triển sản xuất, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nhãn chín muộn.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho rằng, với nhiều lợi thế, huyện Quốc Oai không chỉ có nhãn chín muộn mà còn nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu như rau an toàn, chè, miến, mật ong… vì vậy, huyện cần quan tâm nhiều hơn nữa công tác xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng. Đặc biệt là quảng bá hình ảnh nhãn chín muộn Đại Thành một cách rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết đến và chọn mua. Tiếp tục xúc tiến thương mại xuất khẩu sang các nước, có như vậy giá trị gia tăng của sản phẩm mới được nâng lên, thu nhập của nông dân mới được nâng cao. Bên cạnh đó, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP  cũng lưu ý, đối với các hộ sản xuất nhãn chín muộn cần chú trọng việc duy trì và phát triển thương hiệu, không vì bất kỳ lý do nào làm mất đi thương hiệu sản phẩm. Để làm được điều này đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ của nông dân, HTX và cơ quan quản lý Nhà nước. Đối với các doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ, cùng với việc chung tay quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng, cần ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ổn định với nông dân, HTX không chỉ với nhãn chín muộn mà còn nhiều nông sản khác của Hà Nội.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã trao Quyết định chứng nhận sản phẩm nhãn chín muộn đạt tiêu chuẩn VietGAP cho UBND huyện Quốc Oai; Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ trao chứng nhận Qr code truy xuất nguồn gốc đối với 6 sản phẩm nông nghiệp cho 6 HTX trên địa bàn huyện. Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết tiêu thụ sản phẩm nông sản Quốc Oai giữa các HTX Nông nghiệp huyện với 14 doanh nghiệp kinh doanh, phân phối nông sản trên địa bàn Hà Nội./.

                                    Lưu Phượng