Tham dự chương trình có ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT cùng đại diện một số đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp; đại diện phòng Kinh tế huyện Quốc Oai, Hoài Đức; đại diện xã, HTX Đại Thành (Quốc Oai), Song Phương (Hoài Đức) và đại diện một số doanh nghiệp tiêu thụ nhãn chín muộn.
Theo báo cáo, cây nhãn là cây thứ ba trong bốn loại cây ăn quả chủ lực của Hà Nội với diện tích nhãn là 1.980 ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 21.600 tấn. Diện tích nhãn chín muộn (HTM1, HTM2) hơn 650 ha, năng suất đạt 19-20 tấn/ha, sản lượng 9.000-10.000 tấn, giá bán bình quân các năm từ 25.000-30.000 đồng/kg, giá trị sản phẩm là 266 tỷ đồng. Theo thống kê, nhãn chín muộn Hà Nội tập trung tại 3 vùng gồm: Vùng nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Quốc Oai tập trung chủ yếu tại xã Đại Thành, diện tích 165 ha/220 ha toàn huyện, sản lượng ước đạt 2.500-2.850 tấn; Vùng nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Hoài Đức, diện tích 146 ha/164 ha toàn huyện, sản lượng ước đạt 2.400- 2.600 tấn tại các xã: An Thượng, Đông Lao, Song Phương...; Huyện Chương Mỹ trồng tập trung tại xã Lam Điền, diện tích đạt 41,7 ha/90 ha toàn huyện, sản lượng ước đạt 800-850 tấn.
Sản lượng nhãn chín muộn hàng năm đạt khoảng 9.000- 10.000 tấn. Hiện nay, phần lớn nhãn chín muộn ở Hà Nội tiêu thụ ở dạng quả tươi, qua sơ chế, đóng gói, nhãn mác. Hàng năm, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cũng tổ chức các hội nghị liên kết các tỉnh sản xuất phát triển, quảng bá và tiêu thụ đặc sản nhãn chín muộn tại huyện Quốc Oai, Hoài Đức. Qua đó, các doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện ích thu mua 30-40% và thương lái mua 60-70%. Đặc biệt, năm 2016 đã xuất khẩu 10 tấn nhãn chín muộn sang thị trường Malaysia; Năm 2018 xuất khẩu 19 tấn sang thị trường Mỹ và Ba Lan; Năm 2019 xuất khẩu 1,2 tấn sang thị trường Úc.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cho biết, năm 2020, do dịch bệnh covid 19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, việc xuất khẩu nông sản gặp rất nhiều khó khăn, để chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản nói chung và sản phẩm nhãn chín muộn nói riêng, Sở Nông nghiệp đã giúp bà con kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ vào các siêu thị, cửa hàng nông sản an toàn trên địa bàn thành phố, đồng thời tìm kiếm thị trường xuất khẩu nhãn chín muộn. Bên cạnh đó, Sở cũng tập trung chỉ đạo sản xuất nhãn chín muộn theo quy trình an toàn, sản xuất VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ. Ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ bảo quản cận và sau thu hoạch để hạn chế giảm chất lượng, hao hụt sau thu hoạch và đa dạng sản phẩm tiêu thụ. Tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nhãn trên các website, truyền hình, báo chí,... để mở rộng thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.
Sau khi tham quan thực tế, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức ký kết tiêu thụ sản phẩm giữa nhà vườn sản xuất nhãn chín muộn tại xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) và đại diện các doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần quốc tế Bamboo, Công ty cổ phần AMeii Việt Nam và Công ty cổ phần thương mại và xuất nhập khẩu Greenpath Việt Nam./.
Nguyễn Thúy