Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội, với nhiều tiềm năng, lợi thế, thành phố Hà Nội có quy mô sản xuất nông nghiệp thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đứng tốp đầu cả nước. Với sản lượng hàng năm của một số sản phẩm chủ lực như diện tích trồng lúa trên 155 nghìn ha; diện tích rau trên 30 nghìn ha; cây ăn quả 20,2 nghìn ha; đàn lợn 1,46 triệu con; đàn gia cầm đạt 42,4 triệu con, diện tích nuôi thủy sản 23 nghìn ha.... Trong 9 tháng đầu năm 2024, mặc dù đối diện với ảnh hưởng cơn bão Yagi nhưng tốc độ tăng trưởng (GRDP) nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn Thành phố ước tăng 2,47% so với năm 2023. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 31.559 tỷ đồng.
Dẫn số liệu của Cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn thành phố phục hồi ấn tượng với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 44,9 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt 14,4 tỷ USD, tăng 16,8%. Trong đó xuất khẩu nông lâm sản của Hà Nội đạt 1,7 USD, trong đó hàng nông sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng 42,9% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có trên 300 doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông sản. Trong đó, sản phẩm rau, củ, quả, trái cây có 55 công ty xuất khẩu đi các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, CH Séc, Trung Quốc… Tuy nhiên sản lượng xuất khẩu của các công ty không nhiều, chủ yếu có trụ sở tại Hà Nội và thực hiện xuất khẩu cho sản phẩm được sản xuất, sơ chế tại các tỉnh, thành phố. Sản phẩm nông sản khác như gạo, nấm hương, mộc nhĩ, hạt tiêu, tinh bột sắn..., có 60 công ty xuất khẩu đi các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Maylaysia, Nga...
Ngoài ra, Thành phố cũng tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với 159 chuỗi, trong đó có 53 chuỗi sản phầm động vật và 106 chuỗi sản phẩm thực vật. Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, thành phố đã phát triển 1.000 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội, trong đó đã có nhiều chuỗi sản xuất tại các tỉnh, thành phố được kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã chủ động tham mưu chỉ đạo, lồng ghép các kế hoạch tăng cường công tác đảm bảo sản xuất phục vụ tiêu thụ trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt các quy định nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.\
Hiện, các doanh nghiệp xuất khẩu của Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế, đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính như tiêu chuẩn hữu cơ, GlobalGAP, HACCP, ISO 22000... Đồng thời cũng gặp khó khăn trong việc tiếp nhận các thông tin, thị hiếu và các yêu cầu đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm của một số thị trường tiềm năng như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...
Vì vậy, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Thủ đô, theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, quảng bá, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và kết nối xuất khẩu. Đồng thời tăng cường các hoạt động tập huấn, phổ biến các quy định, rào cản thị trường trọng điểm, các hiệp định FTA, EVFTA, CTPP tới các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Phối hợp với các tỉnh, thành phố thực hiện việc đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, giao thương giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu, có lợi thế sản xuất, xuất khẩu; các mặt hàng nông lâm thủy sản có khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường.
Đặc biệt cần thúc đẩy hoạt động kết nối xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, tổ chức các đoàn học tập, trao đổi, giới thiệu, quảng bá sản phẩm chủ lực của Hà Nội, các tỉnh, thành phố, sản phẩm OCOP tại nước ngoài./.
TA (Theo www.chinhphu.vn)