Đan Phượng là một xã có tốc độ đô thị hóa nhanh của huyện Đan Phượng, với cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn chiếm 12% trong tổng cơ cấu kinh tế của xã. Đây là tiền đề quan trọng để xã Đan Phượng xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, năm 2013, xã Đan Phượng đã về đích nông thôn mới và tới năm 2018 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chủ tịch UBND xã Đan Phượng Nguyễn Văn Thông cho biết, không thỏa mãn với kết quả đạt được, năm 2019 xã tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đến hết năm 2021, xã có 5/7 tiêu chí kiểu mẫu theo Quyết định số 691/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3745/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội. Kết quả xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu của xã Đan Phượng đạt được khá nổi bật trên nhiều lĩnh vực, được Nhân dân đánh giá cao.
Cụ thể, kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ mặt đường, rãnh thoát nước, cây xanh. 100% nhà ở trong các thôn, tổ dân phố được đánh số, đường có biển chỉ dẫn. Đặc biệt, các tuyến đường được trồng hoa, cây xanh, hệ thống ao hồ được kè, lắp rào chắn, tạo diện mạo khang trang, hiện đại cho làng quê. Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý trên địa bàn đạt 100%.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ có ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao theo hướng hàng hóa. Nhiều mô hình liên kết chuỗi hoạt động có hiệu quả như trồng hoa, nho Hạ Đen, nấm ăn, dưa lưới… Trong đó đáng chú ý có mô hình sản xuất rau hữu cơ diện tích 4,64ha của HTX rau hữu cơ Cuối Quý cho giá trị đạt 750 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, các ngành nghề dịch vụ thương mại, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã Đan Phượng cũng khá phát triển với 500 hộ sản xuất, kinh doanh. Điểm công nghiệp làng nghề 28ha có 84 công ty, DN, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Nhờ đó, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2021 đạt 76,67 triệu đồng/người/năm.
“Nhờ thực hiện tốt các phong trào thi đua cũng như việc công khai, minh bạch, dân chủ, xã đã huy động được toàn dân chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay xã không có nợ đọng xây dựng cơ bản” - Chủ tịch UBND xã Đan Phượng Nguyễn Văn Thông chia sẻ.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải nhấn mạnh, thành quả xây dựng nông thôn mới của xã Đan Phượng nói riêng và huyện Đan Phượng nói chung là kết quả của ý Đảng lòng dân. Năm 2021 mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương trên địa bàn huyện Đan Phượng luôn nỗ lực, chung sức đồng lòng, quyết tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đạt được kết quả tích cực.
Đáng chú ý nhiều mô hình, phong trào trên địa bàn huyện mới phát động đã tạo điểm nhấn, được người dân đồng tình hưởng ứng như phong trào xây dựng tuyến đê kiểu mẫu, cuộc thi tổ dân phố sáng, xanh, sạch đẹp…
Theo ông Trần Đức Hải, định hướng của huyện Đan Phượng trong thời gian tới là phát triển huyện thành quận, xã thành phường, đô thị hóa nông thôn theo hướng xanh - văn hiến - văn minh. Do vậy, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng đề nghị xã Đan Phượng cập nhật xu hướng phát triển để chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện của địa phương, với đích đến cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Đối với xây dựng nông thôn mới, ông Trần Đức Hải đề nghị xã Đan Phượng tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu đã đạt được. Đồng thời rà soát, hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô.
Tính đến nay, huyện Đan Phượng đã có 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 5/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (Đan Phượng, Song Phượng, Liên Hà, Tân Hội, Thọ Xuân). Thu nhập bình quân đầu người của huyện cũng cao hơn mức bình quân của thành phố./.
TA (Theo Báo KTĐT)