Những năm gần đây, điều kiện thời tiết có những biến đổi bất thường theo hướng cực đoan dẫn đến gia tăng các loại sâu bệnh hại, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa, gạo. Thích ứng cây trồng là một biện pháp cần thiết trước các hình thái biến đổỉ khí hậu. Nhằm giúp bà con tổ chức sản xuất có hiệu quả, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật thì việc lựa chọn những bộ giống lúa có năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao để đưa vào mô hình trình diễn được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chú trọng triển khai. Năm 2021, Trung tâm lựa chọn 2 giống lúa là VRN 10 và VRN 20 của Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam. Đây là 2 loại giống thuần có khả năng chống đổ tốt, chịu thâm canh, khả năng chống chịu tốt với một số sâu bệnh hại chính, phạm vi thích ứng rộng. Qua 2 vụ sản xuất, mô hình đạt hiệu quả năng suất cao, đạt 63–69,4 tạ/ha (vụ xuân), 60–69 tạ/ha (vụ mùa), cao hơn giống đối chứng Khang dân 18 từ 10 – 15%, hiệu quả kinh tế cao hơn từ 13,7–30% so với đối chứng. Việc đưa các giống lúa mới năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất ngoài việc tăng thu nhập cho người sản xuất, còn đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường do khả năng thích ứng rộng của giống lúa mới, giảm sâu bệnh gây hại, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của bà con tham gia mô hình cũng như chính quyền địa phương.
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID – 19 khiến công tác chỉ đạo kỹ thuật gặp nhiều khó khăn, cộng với thời tiết bất thuận,…song nhiều mô hình khuyến nông triển khai thực hiện năm 2021 vẫn đạt được kết quả tốt. Đơn cử, như: Mô hình sản xuất hoa sen cao sản, quy mô 10ha, thực hiện tại 2 xã Đại Thịnh và Mê Linh của huyện Mê Linh. Trong quá trình triển khai, mô hình gặp không ít khó khăn. Thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid – 19 đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, giám sát kỹ thuật mô hình. Bên cạnh đó, thời tiết bất thuận, nắng nóng cộng với các đợt mưa nhiều đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây sen. Tuy nhiên, các hộ tham gia mô hình đã thực hiện trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, tuân thủ theo đúng hướng dẫn về phòng trừ sâu bệnh nên cây sen đã phát triển rất tốt, hiện đang cho thu hoạch vụ đầu tiên, bình quân mỗi tuần thu được 200 bông loại 1/ha với giá bán 5.000 đồng/bông. Ngoài hiệu quả kinh tế trồng sen còn mang lại hiệu quả xã hội và môi trường lớn: nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, nâng cao đời sống cho người sản xuất, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Với mục đích đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, gắn liền với chủ trương, quy hoạch phát triển vùng tại địa phương, vừa nâng cao giá trị sản phẩm vừa góp phần thay đổi tập quán sản xuất của người dân. 9 tháng năm 2021, các mô hình khuyến nông thuộc lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản được triển khai trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế tại địa phương. Năm 2021, tổng số có 09 dạng mô hình được triển khai tại 39 điểm với 163 hộ tham gia, trong đó có 04 dạng mô hình Thủy sản, 05 dạng mô hình Chăn nuôi. Đến nay, mô hình Chăn nuôi vịt thương phẩm cao sản trên cạn đã được nghiệm thu, các mô hình còn lại đang cho kết quả tốt, không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ sống cao, tiêu biểu như: Mô hình “Sử dụng thảo dược chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học”: Quy mô 50.000 con, thực hiện tại 11 điểm Đại Yên và Trần Phú – Chương Mỹ; Đức Hòa và Quang Tiến – Sóc Sơn; Đông Yên và Phú Cát – Quốc Oai; Tam Hưng, Thanh Mai và Xuân Dương – Thanh Oai; Đường Lâm và Phú Thịnh – TX Sơn Tây, với 51 hộ tham gia. Mô hình sử dụng thảo dược pha với nước cho đàn gà uống, giúp nâng cao sức đề kháng, đàn gà khỏe mạnh, ít bị bệnh, hạn chế sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Hiện nay, gà phát triển tốt, đẹp mã, lông mượt, gà trống mào phát triển, trọng lượng trung bình đạt từ 2,1 – 2,2kg/con, tỉ lệ sống đạt 96,5%. Quá trình nuôi được ghi chép nhật ký đầy đủ.
Mô hình Nuôi cá lồng (cá Lăng đen): Quy mô 600 m3, thực hiện tại 02 điểm Phú Châu – Ba Vì, Văn Đức – Gia Lâm mỗi điểm 01 hộ tham gia mô hình. Nuôi cá lồng có ưu điểm dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, tận dụng dòng chảy, môi trường nước ít bị ô nhiễm, lượng oxy trong nước cao, cá sinh trưởng phát triển tốt, góp phần giảm chi phí trong nuôi trồng. Các hộ thường xuyên vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng để việc lưu thông dòng chảy được nhanh hơn và phòng trừ bệnh. Đàn cá phát triển tốt, khỏe mạnh, đều con, trung bình đạt từ 1,1 – 1,2 kg/con. Dự kiến thu cá vào tháng 12/2021.
Các mô hình đều được áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Công tác chọn điểm, chọn hộ, tập huấn, chuyển giao TBKT đến công tác giao giống đúng tiêu chuẩn và kiểm soát chặt chẽ quy trình kỹ thuật đều được phòng chuyên môn và các Trạm Khuyến nông nghiêm túc thực hiện. Đến nay các mô hình vẫn đang được theo dõi, quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo mô hình đạt được kết quả theo đúng yêu cầu đề ra.
Song song việc triển khai các dạng mô hình, tổ chức các diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp,...Trung tâm Khuyến nông còn đẩy mạnh công tác thẩm định, giải ngân nguồn vốn quỹ khuyến nông hỗ trợ bà con sản xuất, đầu tư cơ giới hóa. Công tác quản lý, sử dụng Quỹ Khuyến nông thành phố đã đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn phát triển sản xuất của nông dân. Từ đầu năm đến nay, Quỹ đã tiếp nhận và tổ chức 03 đợt thẩm định 132 phương án xin vay với tổng số vốn phê duyệt cho vay là 50.835.000.000 đồng. Trong đó, đã giải ngân cho 53 hồ sơ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất với số tiền 19,345 tỷ đồng; 35 hồ sơ vay phát triển cơ giới hóa với tổng số tiền là 13,930 tỷ đồng. Qua đó, góp phần không nhỏ vào định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng KHKT trong sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn Thành phố.
Trong năm 2021,Trung tâm tổ chức thực hiện tổng số 20 dạng mô hình triển khai tại 75 điểm với 1.215 hộ, Hợp tác xã tham gia (trong đó có 11 dạng mô hình Trồng trọt, Cơ giới hóa; 09 dạng mô hình Chăn nuôi – Thủy sản). Các mô hình được triển khai thực hiện cơ bản đúng tiến độ, đảm bảo theo kế hoạch. Bà Vũ Thị Hương- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho rằng: Kết quả đạt được là do cán bộ đơn vị đã làm tốt việc theo dõi tình hình thời tiết, dự báo dịch bệnh để kịp thời thông tin đến người dân cũng như chủ động đưa ra các giải pháp kỹ thuật, hỗ trợ hộ sản xuất phòng, chống nắng nóng, mưa bão và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Cùng với đó, giữa Trung tâm và địa phương có sự phối hợp chặt chẽ trong việc lựa chọn hộ, triển khai mô hình đến hộ phù hợp với yêu cầu sản xuất của địa phương, nông dân hưởng ứng và nhiệt tình tham gia. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, tiêu thụ và sản xuất, ảnh hưởng đến hiệu quả một số mô hình khuyến nông và mô hình vay vốn quỹ khuyến nông. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND Thành phố, của Sở NN&PTNT, Trung tâm đã triển khai các giải pháp vừa đẩy nhanh tiến độ, đa dạng hóa các mô hình vừa thường xuyên động viên, hỗ trợ kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Do đó, các mô hình đang triển khai đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; cây trồng, vật nuôi, thủy sản sinh trưởng, phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh.
Bên cạnh triển khai công tác chuyên môn, Trung tâm Khuyến nông đang tích cực cùng các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh rà soát, cung cấp thông tin doanh nghiệp, hộ sản xuất nông sản trên địa bàn thành phố nhằm phục vụ công tác kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giúp người nông dân ổn định sản xuất, cung ứng lương thực, thực phẩm cho người tiêu dùng trong thời gian dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp.
Phát biểu tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác Khuyến nông quý III-2021, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng đánh giá cao sự cố gắng của tập thể Trung tâm. Với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Thủ đô đạt từ 4,2% trở lên trong năm 2021, trước những thách thức và khó khăn trước mắt, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đồng chí Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Trung tâm tiếp tục tập trung theo dõi, giám sát, chỉ đạo các chương trình, mô hình khuyến nông đã triển khai. Trên cơ sở rà soát kế hoạch khuyến nông năm 2021 để xây dựng kế hoạch cho năm 2022, trong đó, ưu tiên xây dựng các mô hình lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao để từ đó khuyến khích nhân rộng mô hình; việc xây dựng mô hình cần gắn với đầu ra của sản phẩm. Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ khuyến nông để giúp nông dân phát triển sản xuất; Công tác thông tin tuyên truyền cần tiếp tục được đẩy mạnh;…Đề xuất, tham mưu Sở nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp Thành phố gặp nhiều yếu tố bất thuận do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; tình hình dịch bệnh trên người và động vật còn diễn biến phức tạp. Song với sự ủng hộ và phối hợp tích cực của Chính quyền và nông dân các địa phương; Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của UBND Thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội; Sự nỗ lực, đoàn kết của tập thể cán bộ viên chức và người lao động toàn Trung tâm, tin tưởng rằng công tác khuyến nông năm 2021 tiếp tục đạt được những kết quả nổi bật; các mô hình đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra, được bà con nông dân đón nhận và có sức lan tỏa lớn./.
Lưu Phượng