Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái: Khắc phục hạn chế trong trồng rừng

Những năm qua, các diện tích rừng trồng keo, bạch đàn trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bộc lộ nhiều hạn chế như: sinh trưởng kém, năng suất thấp, gây thoái hóa đất… Khắc phục hạn chế này, Sở Nông nghiệp & PTNT đã giao Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đề xuất cơ chế, chính sách trồng rừng thay thế rừng keo, bạch đàn có giá trị kinh tế thấp… trên địa bàn thành phố.



Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 2845/QĐ-UBND ngày 02/5/2013 về phê duyệt đề án “Chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2014-2021”. Theo đề án được triển khai trên địa bàn các huyện, thị xã có đất lâm nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt là rừng sản xuất với dân số khoảng hơn 1 triệu người; đời sống của các hộ dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng và kinh tế rừng. Mục đích của đề án là phấn đấu chuyển đổi 100% diện tích (6.182 ha) rừng trồng keo, bạch đàn hiệu quả thấp nhưng có điều kiện tự nhiên phù hợp sang trồng rừng sinh thái. Bên cạnh đó, trồng mới rừng sinh thái trên những diện tích đất trống, đồi núi trọc không có cây tái sinh. Qua đó, làm tăng giá trị thu nhập bình quân từ kinh tế rừng gấp 2-5 lần sau một chu kỳ đầu tư, góp phần nâng cao đời sống của người sản xuất lâm nghiệp. Đồng thời, góp phần phát triển bền vững rừng sản xuất, bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, những diện tích rừng này còn là nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu dồi dào cho các làng nghề trên địa bàn thành phố.

Kết quả điều tra thực địa năm 2020 cho thấy, hiện nay, ở một số địa phương đã bắt đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế loài keo, bạch đàn có giá trị thấp bằng các loài cây bản địa với diện tích khoảng 18,74 ha. Diện tích chuyển đổi chủ yếu trên địa bàn huyện Thạch Thất với 18,24 ha (chiếm 97% tổng diện tích rừng keo, bạch đàn chuyển đổi của thành phố), huyện Ba Vì là 0,5 ha (chiếm 3%). Mặc dù đã có đề án trồng rừng thay thế các loài keo, bạch đàn giá trị kinh tế thấp, nhưng do chưa có cơ chế khuyến khích các hộ trồng rừng nên tiến độ diễn ra chậm. Do vậy, phải có cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu loài cây trồng, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường.

Do điều kiện lập địa ở mỗi vùng sinh thái khác nhau, vì vậy, khi tiến hành trồng rừng thay thế phải nghiên cứu kỹ lưỡng về sinh thái học để bảo đảm sinh trưởng phát triển tốt. Để đạt mục tiêu tạo rừng nhiều tầng, cơ cấu cây trồng rừng sinh thái trên địa bàn thành phố được xác định bao gồm cây thân gỗ có kết hợp với cây lâm sản ngoài gỗ. Đó là nhóm loài cây trồng lấy gỗ như đinh, lát hoa, muồng đen, re rừng, nhóm cây trồng ăn quả gồm trám đen, trám trắng, sấu, tai chua, mít và nhón loài cây trồng lâm sản ngoài gỗ đơn cử như củ dong riềng, hoa tiên, mây nếp… Các nhóm cây được xác định trên cơ sở phù hợp với điều kiện lập địa, thổ nhưỡng và hiệu quả kinh tế của từng địa phương.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, sẽ hỗ trợ trồng rừng thay thế rừng keo, bạch đàn có giá trị thấp với diện tích 1.000 ha, trong đó, ưu tiên trồng các loài cây bản địa và cây lấy gỗ lớn chu kỳ dài có giá trị kinh tế cao. Địa điểm trồng sẽ được thực hiện tại khu vực hiện đang trồng keo, bạch đàn thuộc 7 huyện, thị xã gồm: Ba Vì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây. Nội dung và mức hỗ trợ: Chi phí khảo sát, thiết kế, lập hồ sơ thiết kế trồng rừng, mức hỗ trợ 300.000 đồng/ha. Đối với trồng rừng mới (bao gồm cả chăm sóc 3 năm) đối với các loài cây sản xuất gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi), mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha; các loài cây gỗ nhỏ (khai thác trước 10 năm tuổi), mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha; các loài cây bản địa, mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ha… Với cơ chế, chính sách hỗ trợ trên,  sẽ thúc đẩy việc chuyển đổi rừng keo, bạch đàn sang trồng rừng sinh thái hiệu quả, bền vững./.

NT (Theo Cổng GTĐT Hà Nội)