Tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng. Ngay sau khi phát hiện đám cháy, huyện đã huy động tối đa nhân lực, phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm số 4, công an, dân phòng… tổ chức chữa cháy. Tuy nhiên, tổng diện tích rừng bị thiệt hại vẫn lên tới hàng chục ha.
Đáng chú ý, khi các vụ cháy có tính chất phức tạp, có dấu hiệu huỷ hoại rừng. Các vụ cháy diễn ra với số lượng nhiều, tuy nhiên công tác điều tra vẫn còn hạn chế. Lực lượng chức năng địa phương, nhất là công an và kiểm lâm chưa xác định được nguyên nhân cũng như đối tượng gây ra bất cứ vụ cháy nào.
Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ) Đinh Hữu Dương cho biết, hiện nay nắng nóng đã diễn ra gay gắt tại nhiều địa phương phía Bắc, trong đó có Hà Nội. Dự kiến trong năm 2023, Hà Nội sẽ còn hứng chịu thêm nhiều đợt nắng nóng (từ 2 ngày trở lên), trong đó có 1 - 2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Nhiệt độ tuyệt đối cao nhất có thể lên tới 41,50C.
Ngoài các đợt nắng nóng, nhiệt độ trung bình toàn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) sẽ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 10C (trung bình nhiều năm từ 25,3 - 16,10C). Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn nói riêng.
Cùng với diễn biến thời tiết, các yếu tố tự nhiên, xã hội cũng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng tại huyện Sóc Sơn. Đơn cử như mùa khô kéo dài, địa hình phức tạp; rừng và đất rừng thuộc vùng đồi núi cao, dốc; có khối lượng vật liệu cháy lớn. Đặc biệt, cư dân sống trong rừng, ven rừng đông dẫn đến người ra - vào hàng ngày thường xuyên khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn…
Kiên quyết xử lý vi phạm
Nhận thức rõ nguy cơ cháy rừng trên địa bàn nên những năm qua, công tác quản lý và bảo vệ rừng được huyện Sóc Sơn đặc biệt quan tâm. Ngay từ cuối năm 2022, huyện đã ban hành kế hoạch quản lý và bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy và bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp. Cùng với đó, lên phương án tổ chức, huy động lực lượng chữa cháy rừng cho năm 2023…
Công tác tuyên truyền bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được huyện Sóc Sơn xem là nhiệm vụ hàng đầu nhằm vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, cơ quan chức năng của huyện đã thực hiện 10 lượt tuyên truyền lưu động về bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, tập trung vào các khu vực có nhiều khách thăm quan, cắm trại, picnic như: Hồ Đồng Đò, hồ Hoa Sơn, núi Hàm Lợn, đền Sóc…
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, chính quyền địa phương chủ trương kiên quyết xử lý các vi phạm, tập trung vào những địa bàn trọng điểm, phức tạp. Mới đây, huyện đã ban hành kế hoạch kiểm tra đối với toàn bộ các trường hợp vi phạm Luật lâm nghiệp trên địa bàn 11 xã, thị trấn từ năm 2020 đến nay.
“Hiện, UBND huyện đã giao Phòng Kinh tế phối hợp với Hạt Kiểm lâm số 4 và các đơn vị có liên quan rà soát các vi phạm, đánh giá, phân loại các trường hợp có vi phạm để xử lý dứt điểm, bảo đảm đúng người, đúng hành vi theo quy định của pháp luật; tiến tới nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn huyện Sóc Sơn” - ông Đỗ Minh Tuấn cho biết thêm.
Liên quan đến các vụ cháy rừng xảy ra với số lượng nhiều, tần suất lớn từ đầu năm 2023, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương đánh giá “không loại trừ khả năng có đối tượng phá hoại”. Chính vì vậy, đề nghị huyện Sóc Sơn chỉ đạo điều tra để xác định nguyên nhân, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp để tạo sức răn đe./.
TA (Theo Báo KTĐT)