Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chủ động bảo đảm an toàn hồ, đập

Những năm qua, các cấp, các ngành của thành phố Hà Nội đã bố trí nguồn lực sửa chữa, nâng cấp nhiều hồ, đập làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, phục vụ đời sống của người dân, sản xuất nông nghiệp... Tuy nhiên, trước tác động của biến đổi khí hậu, việc bảo đảm an toàn các đập hồ vẫn đang là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa thường xuyên.



Hồ Mèo Gù được xây dựng từ năm 1962 và hoàn thành năm 1965, rộng khoảng 45ha, trữ 1,8 triệu mét khối nước. Đây là một trong những công trình thủy lợi quan trọng của huyện Ba Vì khi vừa có chức năng cắt lũ bảo vệ dân cư vùng hạ du, vừa trữ nước để phục vụ 120 ha sản xuất nông nghiệp của xã Thuần Mỹ và xã Sơn Đà.

Tuy nhiên, sau gần 60 năm khai thác, nhiều hạng mục của công trình đã hư hỏng, xuống cấp. Đơn cử như, đỉnh đập làm bằng đất có nhiều vị trí bị lún sụt, tạo ra các dòng tràn vào thân đập, tiềm ẩn nguy cơ sự cố khi xảy ra những trận mưa lớn, khi hồ đầy nước trong nhiều ngày. Không những vậy, nhiều vị trí mái thượng lưu và hạ lưu của hồ cũng xuất hiện vệt thấm nước trong; mang cống có hiện tượng nước chảy qua...

“Gần 2 triệu mét khối nước hồ Mèo Gù nằm "trên nóc" hơn 100 ngôi nhà của người dân xã Thuần Mỹ. Nếu xảy ra tình huống vỡ đập hồ này thì thiệt hại khó có thể đong đếm. Vì vậy, người dân rất mong các cấp, các ngành sớm kiên cố hóa, bảo đảm vững chắc đập hồ...”, ông Nguyễn Danh Thái, người dân xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) cho biết.

Tương tự, nhiều hồ thủy lợi nhỏ khác, như: Cẩm Quỳ, Bưởi, Phú Lội, Đồng Đầm, Đình Thử, Canh Nhỉm, Thó Bỉn (huyện Ba Vì); Lò Xả, Xuân Bảng, Nghè, Anh Bé, Đạc Đức, Ông Đạm, 361 (huyện Sóc Sơn)... cũng ở tình trạng xuống cấp.

Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đặng Anh Tuấn cho biết, những năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư gần 800 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp nhiều hồ, đập. Tuy nhiên, do xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, kết cấu đập làm bằng đất, nên hiện Hà Nội còn 42 hồ, đập hư hỏng, xuống cấp. Để bảo đảm an toàn đập hồ và vùng hạ du, năm 2021-2022, thành phố tiếp tục bố trí gần 100 tỷ đồng sửa chữa thường xuyên và cải tạo nâng cấp 14 hồ, đập ở các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn... “Trong thời gian chuẩn bị xây dựng công trình, các doanh nghiệp thủy lợi và các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư và sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn đập hồ và vùng hạ du...”, ông Đặng Anh Tuấn đề nghị.

Về vấn đề này, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố khẳng định đã hoàn chỉnh và sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn từng hồ chứa và vùng hạ du. Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì Phan Văn Tân cho biết: “Công ty đã phân công lực lượng trực ban 24/24 giờ tại các hồ trong thời gian có mưa, bão nhằm kịp thời phát hiện và xử lý ẩn họa, hư hỏng, sự cố đập hồ ngay từ giờ đầu”.

Chung nhiệm vụ trên, các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức... đã rà soát khu dân cư nằm trong vùng ảnh hưởng; xây dựng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn khi xảy ra tình huống vỡ đập hồ. “Ngoài giải pháp kỹ thuật, Đài truyền thanh huyện và các xã thường xuyên thông báo diễn biến mưa, bão, mực nước hồ và các nguy cơ khi xảy ra sự cố đập hồ để người dân chủ động phòng, tránh...”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết.

Biến đổi khí hậu khiến thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn hồ đập không chỉ là nhiệm vụ cấp bách trong mùa mưa bão mà cần là việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành và người dân địa phương.../.

NT (Theo Hà Nội mới)