Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chăn nuôi Hà Nội hướng về an toàn thực phẩm

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng việc quản lý từ gốc sản xuất được coi là một giải pháp căn cơ nhất. Thành phố Hà Nội đã phát triển 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư; 76 xã chăn nuôi trọng điểm, 3.941 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.



Trong 5 năm qua, Hà Nội đã ban hành hàng loạt các đề án, kế hoạch để tổ chức thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm như: Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 29/3/2012 về thực hiện chiến lược quốc gia ATTP giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 03/01/2018 về duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020; Quyết định số 5848/QĐ-UBND ngày 23/8/2017 về phê duyệt Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội”.

Nhờ đó mà lĩnh vực chăn nuôi của Hà Nội đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún khó quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng sang chăn nuôi trang trại, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Đã hình thành 101 mô hình trang trại chăn nuôi tập trung áp dụng công nghệ cao hoặc chăn nuôi khép kín từ đầu vào (giống, thức ăn…) đến tiêu thụ.

Trên nền tảng chăn nuôi quy mô đó, công tác giết mổ, chế biến cũng dần dần đi vào nề nếp hơn trước đây. Hiện trên địa bàn thành phố có 988 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trong đó số cơ sở được kiểm soát là 125 cơ sở, số lượng thịt tiêu thụ được kiểm soát đáp ứng được khoảng 59%. 10/45 điểm giết mổ tập trung được triển khai thực hiện theo quy hoạch, trong đó có 8 điểm đã xây dựng và đi vào hoạt động có hiệu quả, sản lượng giết mổ thực tế khoảng 220 tấn/ngày, đạt trên 50% công suất thiết kế (410 tấn/ngày), còn 2 điểm đang triển khai thực hiện.

Cùng với làm chặt khâu sản xuất, Hà Nội cũng có những bước tiến lớn trong kiểm soát tiêu thụ để thực phẩm được an toàn hơn. Cụ thể, thành phố đã có những chương trình khuyến khích các tổ chức, cá nhân các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường kết nối tiêu thụ đối với sản phẩm chủ lực trên địa bàn. Tất cả nhằm mục tiêu gia tăng sản lượng, chất lượng của nông sản và đặc biệt dễ quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đi đôi với đó Hà Nội đã quản lý chặt chẽ 454 chợ, 125 siêu thị, 21 trung tâm thương mại. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn, cung cấp thông tin được thực hiện công khai như: Thủ tục cấp giấy chứng nhận, giám sát, cập nhật thông tin trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, công khai đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin về an toàn thực phẩm.

Tuy sản xuất và tiêu thụ đã được làm chặt chẽ hơn nhưng điểm yếu về an toàn thực phẩm trong chăn nuôi Hà Nội vẫn là số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ít, tỷ lệ kiểm soát giết mổ, vệ sinh sinh thú y và an toàn thực phẩm chưa cao, hoạt động liên kết sản xuất tiêu thụ vẫn còn hạn chế.

Giết mổ gia súc, gia cầm...là mắt xích vô cùng quan trọng trong chuỗi quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, có một thực trạng hiện nay là người kinh doanh và bản thân người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô còn chưa thực sự coi trọng quy trình xử lý này. Bên cạnh đó là việc thiếu sự giám sát, kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng, dẫn đến việc giết mổ gia súc, gia cầm thủ công diễn ra công khai ngay tại các khu chợ tạm, chợ cóc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đây là một trong những lỗ hổng lớn trong công tác quản lý quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Với tâm lý của các bà nội chợ nước ta từ xưa đến nay thì chữ “tươi” luôn được đặt lên hàng đầu. Chính tâm lý mua hàng theo kiểu này khiến cho người mua và cả người bán vẫn vô tư cho rằng, việc mổ tại chỗ mới chứng minh được đây là thực phấm sạch, tươi và rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, việc phân quyền quản lý các hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ tại các chợ hiện nay còn chồng chéo dẫn đến việc giết, mổ gia cầm tại chỗ và thủ công diễn ra công khai và không chịu sự quản lý chặt chẽ nào từ phía các cơ quan chức năng.

Tình trạng buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, tự phát không chỉ là thói quen có hại, mà còn là nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Điều này thể hiện những lỗ hổng trong công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm.

Lỗ hổng này đã tồn tại quá lâu trong thói quen sinh hoạt của người dân. Một thực tế đáng lo ngại nữa là hiện nay, tình trạng đoàn kiểm tra vừa đi, các hộ kinh doanh trở lại tiếp tục "hành nghề" đang diễn ra khá phổ biến ở các chợ. Vì vậy, để giải quyết triệt để tình trạng này, chính quyền địa phương cần thành lập các đội tự quản thường xuyên giám sát, tịch thu, tiêu hủy các trường hợp cố tình vi phạm thì  mới cho hiệu quả đích thực./.

NT (Theo Chinhphu.vn)