Chia sẻ về quá trình làm kinh tế của mình, ông Hùng cho biết: “Năm 2014, sau khi nghỉ công tác ở xã, tôi bắt đầu làm kinh tế với mong muốn làm giàu để cuộc sống gia đình ngày một tốt hơn”. Suy nghĩ và trăn trở nhiều với các mô hình kinh tế, ông Hùng đã quyết định lựa chọn chăn nuôi gà, nuôi lợn rừng và nuôi lợn thương phẩm. Trên diện tích khoảng 10.000 m2 của gia đình, ông Hùng bố trí từng khu vực chăn nuôi với từng loại vật nuôi riêng biệt.
Về nuôi gà, ông nuôi gà thịt từ khi gà bóc trứng đến xuất bán khoảng từ 5 đến 6 tháng. Để thịt gà ngon, đáp ứng thị trường, ông Hùng đã nuôi theo hình thức gà thả vườn, vừa nuôi cám công nghiệp kết hợp với thức ăn ngô, phụ phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, ông luôn chủ động trong việc chăm sóc gà bằng việc tiêm phòng đầy đủ. Mỗi năm ông xuất bán khoảng 8.000 con gà thương phẩm.
Đối với việc nuôi lợn, ông Hùng tập trung chính là lợn thương phẩm và lợn rừng. Đàn lợn rừng của ông được nuôi trong không gian rộng để lợn có thể di chuyển, ông nuôi lợn đực giống và con nái giống, toàn bộ lợn con sinh ra ông để lại nuôi thịt. Ông Hùng chia sẻ, ngay khi mới sinh thì lợn con khá yếu vì môi trường sống của chúng đã bị thay đổi, cần phải tiêm chủng đầy đủ. Khi vượt qua được giai đoạn này, sức đề kháng của lợn rừng mạnh hơn lợn thường nhiều lần. Ngoài ra, cách nuôi lợn rừng cũng khác với lợn thường khi ngoài các bữa ăn chính còn phải được cho ăn các bữa phụ gồm: rau xanh, cỏ voi, lá chuối... Nơi nuôi lợn rừng cũng cần phải có một sân chơi rộng rãi để chúng có thể vận động thoải mái, không bị gò bó quá trong chuồng. Mỗi năm ông xuất bán ra thị trường khoảng 35 con lợn rừng thương phẩm.
Còn đối với lợn nuôi theo hình thức công nghiệp, ông xây dựng theo mô hình khép kín, hiện đại đảm bảo sạch sẽ, an toàn phòng chống dịch bệnh. Hàng ngày ông cho ăn đầy đủ, không để cho lợn bị đói. Nếu để lợn đói sẽ chậm lớn và dễ phát sinh một số bệnh đường ruột. Hàng ngày, phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Trong quá trình nuôi, phát hiện lợn bị bệnh thì tách riêng chuồng để chăm sóc điều trị. Qua đó, hạn chế lợn bệnh lây nhiễm bệnh cho cả đàn. Phải thường xuyên phòng dịch bệnh cho đàn lợn bằng cách phun thuốc sát trùng quanh chuồng trại. Mỗi năm ông xuất bán ra thị trường 2 lứa, mỗi lứa 100 lợn thịt. Theo ông Hùng, để chăn nuôi tốt thì người chăn nuôi phải luôn tìm tòi, tích cực học hỏi. Cũng để đàn gà phát triển tốt, có thịt thơm chắc, ông Hùng đã trồng khoảng 200 cây ăn quả các loại như bưởi, hồng xiêm... để gà có bóng mát khi ngủ, nghỉ và chơi.
Nhờ chăn nuôi hiệu quả, mỗi năm ông Hùng thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng. Năm qua, ông đã chuyển sang kinh doanh thức ăn cho gia súc, gia cầm, xây dựng cơ ngơi khang trang, bề thế. Ông luôn là một tấm gương làm kinh tế tiêu biểu ở địa phương Thụy An nhiều năm trở lại đây./.
Hồng Đạt (Trung tâm VHTT & TT Ba Vì)