Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bình Dương: Phát triển thương hiệu Cam, Bưởi Bắc Tân Uyên

Huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương hiện nay các loại cây ăn quả có múi được trồng với diện tích khoảng 2.000 ha, trong đó có 67ha cây ăn quả có múi được chứng nhận VietGAP.



Năng suất các loại cây ăn quả có múi bình quân đạt 36,4 tấn/ha/năm; giá trị sản xuất bình quân đạt 500 triệu đồng/ha/năm… Kế hoạch đến năm 2020, huyện phấn đấu giá trị sản xuất cây có múi bình quân 800 triệu đồng/ha/năm, có từ 300 – 500 ha diện tích cây ăn quả có múi được chứng nhận VietGAP.Thời gian qua huyện đã và đang đầu tư phát triển cây ăn quả có múi đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, phát triển cây cam, cây bưởi da xanh, cây quýt và cây chanh giấy không hạt tập trung chủ yếu tại 6 xã: Đất Cuốc, Tân Mỹ, Thường Tân, Lạc An, Tân Định và Hiếu Liêm, với nhiều trang trại, vườn cây được trồng theo mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP. Các vườn cây ăn quả đã vào thời kỳ cho trái ổn định, sản lượng dự kiến lên đến hàng chục ngàn tấn mỗi năm, mang lại thu nhập từ 600 triệu đến khoảng 1 tỷ đồng/ha cho bà con nơi đây.

Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển Nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên cho các loại trái cam, bưởi trên địa bàn huyện” được UBND huyện Bắc Tân Uyên thực hiện, sau 2 năm triển khai dự án, đến tháng 2/2017, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Cam Bắc Tân Uyên”, “Bưởi Bắc Tân Uyên” đây là sự kiện quan trọng góp phần đảm bảo thị trường bền vững cho sản phẩm cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung.Cam Bắc Tân Uyên và Bưởi Bắc Tân uyên được cấp văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu tập thể là dấu mốc khẳng định giá trị, uy tín của người trồng cam, bưởi Bắc Tân Uyên được nâng cao, đồng thời các ngành chức năng có điều kiện quản lý tốt về quy trình sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ cũng như kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đây là tiền đề để sản phẩm cam và bưởi Bắc Tân Uyên vươn xa ra thị trường thế giới. và tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực.

Trong thời gian tới huyện tiếp tục xây dựng và triển khai quy hoạch vùng trồng chuyên canh cây ăn quả có múi đồng thời đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, điện, thương mại, tích cực tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp đến bà con nông dân nhằm hỗ trợ phát triển, chăm lo đầu ra cho sản phẩm cây ăn quải có múi. Cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về nhãn hiệu tập thể cam, bưởi Bắc Tân Uyên, kết hợp với quảng bá du lịch của địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế./.

Thanh Tuyền