Tại huyện Thanh Trì, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cho biết, năm 2020, cùng với tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XXIV (24) Đảng bộ huyện, Thanh Trì đã thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đã hoàn thành 14/14 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch thành phố giao. Tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn tăng 8,2% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm (tăng 7,7 triệu đồng so với năm 2019). Giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 245 triệu đồng/năm. Thu ngân sách đạt hơn 1.727 tỷ đồng, vượt 19,5% dự toán thành phố giao.
Kiến nghị với Thành phố, huyện ủy Thanh Trì đưa ra 6 vấn đề theo 6 nhóm nội dung. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ thời cơ, thách thức và giải đáp các kiến nghị của huyện. Đáng chú ý, trong cơ cấu thu ngân sách năm 2020, chỉ có khoảng 40% thể hiện nội lực của huyện. Đây là vấn đề chính mà huyện phải quan tâm thay vì dựa vào đấu giá đất khi thực hiện mục tiêu lên quận vào năm 2023.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị huyện Thanh Trì đánh giá, rà soát lại tiềm năng, lợi thế, tư duy tầm nhìn, có quyết tâm chính trị và khát vọng, phấn đấu đưa huyện Thanh Trì lên quận vào năm 2023. Bí thư Thành ủy Hà Nội ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Trì trong năm 2020. Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của huyện Thanh Trì còn thấp; tỷ lệ lao động nông nghiệp, cơ cấu dân cư nông thôn còn cao. Do đó, muốn phát triển lên quận Thanh Trì phải tập trung chuyển đổi cơ cấu lao động, giảm tỷ lệ dân cư nông thôn, đẩy mạnh đô thị hóa gắn liền với kinh tế đô thị. Huyện phải xác định đi lên quận dựa vào nội lực là chính; hình thành phong trào khởi nghiệp, thi đua sản xuất, kinh doanh rộng khắp, tập trung phát triển đội ngũ doanh nghiệp và các hợp tác xã kiểu mới; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược.
Tại huyện Thanh Oai, báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Oai Nguyễn Nguyên Hùng cho biết, năm 2020, Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đạt nhiều kết quả nổi bật. Kinh tế tăng trưởng khá, đạt 19.580 tỷ đồng, tăng 8,9% so với năm 2019; thu ngân sách đạt 618 tỷ đồng, bằng 111% dự toán thành phố giao. Huyện đã hoàn thành 9/9 tiêu chí nông thôn mới, đã được Hội đồng thẩm định của Trung ương thông qua đề nghị Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận; có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo còn 0,37%. Huyện ủy Thanh Oai nêu 6 kiến nghị, nhóm kiến nghị tập trung về quy hoạch, đầu tư xây dựng, đấu giá quyền sử dụng đất…
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ ghi nhận, biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Oai đã có nhiều cố gắng thực hiện các nhiệm vụ chính trị trong năm qua, đóng góp tích cực vào kết quả chung của thành phố. Chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu Huyện ủy Thanh Oai tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề đất dịch vụ trong năm nay. Bên cạnh đó, huyện cần rà soát lại định hướng phát triển, trong đó chú trọng tái cơ cấu và đẩy mạnh đầu tư khoa học, công nghệ vào nông nghiệp; phát triển nông nghiệp gắn với kinh tế nông thôn và phát triển hợp tác xã kiểu mới... đặc biệt chú ý chuyển đổi cơ cấu lao động, xây dựng chương trình cụ thể để tăng tỷ trọng lao động trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ; đồng thời phải đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, thương mại; trước mắt có thể thu hút đầu tư hoặc hỗ trợ doanh nghiệp sớm hình thành một trung tâm thương mại trên địa bàn, cùng với đó là phải triển khai xây dựng 5 cụm công nghiệp... Trên cơ sở hỗ trợ của các sở, ngành, huyện cần sớm hoàn thiện các quy hoạch làm cơ sở để đầu tư, phát triển và quyết tâm phấn đấu trở thành quận sinh thái vào năm 2030.
Nhân dịp này, tại mỗi huyện, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã trao tặng kinh phí xây dựng nhà Đại đoàn kết cho 5 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, với tổng giá trị 250 triệu đồng, trích từ nguồn Quỹ Vì người nghèo thành phố Hà Nội./.
Lưu Phượng