Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bệnh truyền lây chung giữa người và động vật

Những năm qua, ngành chăn nuôi đã có những bước phát triển đáng kể cả về số lượng cũng như chất lượng. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, theo chuỗi giá trị và theo quy hoạch vùng xã trọng điểm, xa khu dân cư đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, song song với việc phát triển, hoạt động chăn nuôi cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết trong bối cảnh dịch bệnh động vật ngày càng gia tăng. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên động vật xuất hiện, tái xuất hiện gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi; bên cạnh đó, nhiều dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật lây sang người làm gia tăng số người mắc bệnh và tử vong tăng lên.



Bệnh chung giữa người và động vật (Zoonosis) là khái niệm chỉ bất kỳ một bệnh nào có khả năng truyền lây trực tiếp hoặc gián tiếp từ động vật sang người hay ngược lại từ người sang động vật. Các bệnh truyền lây chung giữa người và động vật khi xuất hiện thường gây tổn thất rất nặng nề. Nhiều bệnh có thể gây chết người nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời như bệnh cúm gia cầm, bệnh dại, bệnh liên cầu khuẩn... Theo thống kê của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) đã có trên 180 bệnh truyền lây từ động vật sang người. Những bệnh nguy hiểm từ nhiều năm đến nay vẫn tái xuất hiện, đe dọa tính mạng con người như bệnh dại, bệnh viêm não nhật bản, bệnh cúm gia cầm, bệnh Sars, bệnh liên cầu khuẩn…Cụ thể, tại Việt Nam trong 5 năm qua bệnh Dại đã làm chết 410 người, trên 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và 9 tháng năm 2023 đã ghi nhận tới 64 ca tử vong ở cả miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Những tỉnh có người tử vong cao như: Gia Lai (11 người), Nghệ An ( 7 người), Điện Biên (6 người)… Theo phân loại động vật cắn người gây bệnh dại thì chó chiếm tỷ lệ 97%.

Bệnh zoonosis có thể truyền lây trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một số loài động vật hoặc các nhân tố khác có trong môi trường với các loại hình chủ yếu như: (i) Bệnh lây truyền trực tiếp: thường là những bệnh mà mầm bệnh có thể tự khép kín vòng truyền lây trong một loài động vật như bệnh dại, nhiệt thán, Leptospira, Trichinella,…; (ii) Bệnh lây truyền theo chu kỳ vòng đời: thường là những bệnh mà mầm bệnh cần ít nhất hai loài động vật có xương sống trở lên để làm vật chủ trong quá trình hoàn thiện vòng truyền lây. Đây thường là bệnh ký sinh trùng như sán dây Taenia solium (lợn), sán dây Echinococcus granulosus (chó),…; (iii) Bệnh lây truyền qua trung gian: thường là những bệnh của động vật có xương sống nhưng mầm bệnh cần thêm loài động vật không xương sống hoặc vật chủ trung gian khác để hoàn thiện vòng truyền lây như: bệnh viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết (cần có muỗi), bệnh sốt do Rickettsia (cần có ve),.. Để lây truyền, những loại bệnh này cần phải có quần thể động vật mang mầm bệnh, nhân tố trung gian truyền bệnh phù hợp và quần thể người,…; (iv) Bệnh lây truyền qua thức ăn, nước uống như Salmonella, prion (trong bệnh bò điên),..; (v) Bệnh lây truyền qua vật chất hoại sinh: là những bệnh mà tác nhân gây bệnh trong vòng truyền lây của nó có thể sinh trưởng trong môi trường ngoài cơ thể vật chủ như bệnh giun đũa chó, bệnh Salmonella,..

Hiện nay, do nhiều hoạt động của con người can thiệp vào tự nhiên đã làm gia tăng cơ hội tiếp xúc, trao đổi tác nhân gây bệnh giữa động vật nuôi, động vật hoang dã và con người, hơn nữa, các hoạt động giao thương quốc tế phát triển nhanh, vấn đề biến đổi khí hậu làm thay đổi phạm vi hoạt động của các loài chân đốt (nhân tố trung gian truyền bệnh) và ảnh hưởng trực tiếp tới nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang,.. từ đó làm tăng nguy cơ phát sinh các bệnh zoonosis. Bệnh truyền lây từ động vật sang người là bệnh hết sức nguy hiểm, đòi hỏi chúng ta phải hiểu biết và có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.

Để phòng chống bệnh truyền lây từ động vật sang người cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

  1. Giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác, khả năng nhận biết và biện pháp phòng tránh dịch bệnh ở cấp cộng đồng. Tăng cường hợp tác hai ngành Thú y và Y tế trong phòng chống dịch.
  2. Ăn thức ăn đã nấu chín: thực hiện ăn thức ăn được nấu chín, tránh ăn các loại thức ăn tái sống, nhất là các món ăn làm từ thịt sống như tiết canh…để phòng tránh vi khuẩn, vi rút lây nhiễm trực tiếp từ động vật sang cơ thể người.
  3. Trong quá trình giết mổ, tiếp xúc trực tiếp với động vật khi giết mổ phải sử dụng các phương tiện bảo hộ như găng tay, khẩu trang, giày ủng và quần áo bảo hộ nhằm tránh nhiễm trực tiếp mầm bệnh sang người.
  4. Bảo quản tốt sản phẩm động vật sau giết mổ, tránh để nhiễm chất bẩn trong quá trình giết mổ, nhằm giảm nguy cơ vấy nhiễm và lây lan mầm bệnh. Tuyệt đối không ăn thịt động vật đã chết trước khi giết mổ: nhiều người vẫn có thói quen sử dụng thịt động vật ngay cả khi chúng đã chết, đây là nguyên nhân khiến các loại vi khuẩn, vi rút và mầm bệnh gây chết động vật lây nhiễm cho con người.
  5. Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, đã qua kiểm dịch để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình và tránh mua phải thực phẩm không rõ nguồn gốc.
  6. Rửa tay và vệ sinh cá nhân trước khi ăn để phòng tránh các loại dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cho con người. Vệ sinh trước khi ăn còn giúp ngăn ngừa các loại vi khuẩn lây qua đường tiêu hóa và tiêu diệt vi khuẩn có hại trước khi lây nhiễm trực tiếp vào thức ăn.
  7.  Vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, giúp tiêu diệt các loài vật trung gian truyền bệnh như ruồi, muỗi, chuột bọ…
  8. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn vật nuôi, để hạn chế dịch bệnh lây từ động vật sang người.
  9. Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ về bệnh truyền lây từ động vật sang người, cần sớm đến cơ quan Y tế để được hướng dẫn, điều trị, có biện pháp xử lý, không để bệnh lây lan, gây thiệt hại đến tính mạng con người và ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội.
  10. Giảm thiểu sự tương tác gần giữa con người và động vật./.

Cấn Xuân Minh - Chi cục CN và Thú y Hà Nội