Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bệnh cúm gia cầm và biện pháp phòng chống nguy cơ dịch lây lan

Theo khuyến cáo, thời điểm đầu năm, với điều kiện thời tiết nồm, ẩm, thường tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm. Nhằm hạn chế thiệt hại cho người chăn nuôi, xin khuyến cáo cách nhận biết và biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm như sau:



    Nguyên nhân, đặc điểm chung của bệnh

       Do virus Influenza A gây nên bệnh truyền nhiễm cấp tính, rất nguy hiểm.

      Lây lan nhanh, mạnh, xảy ra ở tất cả các loại gia cầm: gà, vịt, ngan, ngỗng, chim ở mọi lứa tuổi.

      Nếu virus có độc lực cao, bệnh gây chết nhiều gia cầm, tỷ lệ chết tới 100%.

      Nếu virus có độc lực thấp, bệnh gây tỉ lệ gà ốm cao, tỉ lệ chết thấp.

      Bệnh lây sang người và xảy ra quanh năm, thường phát vào lúc chuyển mùa từ thu sang đông và vào mùa đông.

       Thuỷ cầm (ngan, vịt) là nơi tàng trữ virus cúm gây bệnh cho gà và con người.

  1. Đường lây lan

          - Lây chủ yếu qua đường hô hấp, đường tiêu hoá.

          - Do tiếp xúc giữa gà ốm và gà khỏe.

          - Do bụi, gió và không khí có mầm bệnh.

          - Do phương tiện vận chuyển, thức ăn, nước uống nhiễm mầm bệnh.

          - Do dụng cụ chăn nuôi thú y nhiễm mầm bệnh.

          - Do công nhân chăn nuôi, khách tham quan đến từ vùng có bệnh.

          - Do tiếp xúc với thuỷ cầm, chim hoang dã mang mầm bệnh.

          - Do vận chuyển gia cầm từ nơi này đến nới khác chưa có kiểm định thú y.

  1. Triệu chứng (biểu hiện bên ngoài)

          - Gia cầm bệnh đột ngột sốt cao, thân nhiệt lên tới 44 – 450C.

          - Ho khẹc, thở khó, khi thở phải há miệng.

          - Chảy nước mắt, nước mũi và dãi dớt liên tục.

          - Mào, tích và hàm dưới sưng, tích nước, xuất huyết đỏ từng đám.

          - Kết mạc mắt sưng, xuất huyết; ở thuỷ cầm có hiện tượng kéo màng mắt trắng.

          - Ỉa chảy nặng, phân xám vàng, xám xanh, đôi khi có máu, mùi tanh.

          - Da tím tái và xuất huyết ở dưới da, đặc biệt là da chân.

          - Đi lại loạng choạng, xiêu vẹo, run rẩy, đứng túm tụm vào một chỗ.

          - Có thể gặp triệu chứng thần kinh: co giật, liệt;

          - Gà đẻ giảm đẻ hoặc ngừng hẳn nhưng vỏ trứng không bị mất màu.

          - Tỷ lệ gà mắc bệnh rất cao.

          - Tỷ lệ chết có thể rất cao (100% đàn), có thể thấp tuỳ theo độc lực của mầm bệnh.

          - Xuất huyết từng đám dưới da chân

  1. Bệnh tích (biểu hiện bên trong)

          - Mũi bị viêm, xuất huyết và tịt lại.

          - Mào và tích đỏ thẫm, có tích nước.

          - Các phủ tạng: phổi, tim, gan, lách, thận, buồng trứng… đều bị xuất huyết và viêm hoại tử.

          - Đặc biệt màng treo ruột, mỡ bụng xuất huyết khác với tất cả bệnh khác.

          - Tuyến tuỵ sưng to, có các vạch vàng, đỏ xen kẽ.

          - Niêm mạc dạ dày tuyến, hậu môn, túi huyệt và các tổ chức dưới da, tổ chức cơ đều bị xuất huyết, đỏ thẫm từng mảng.

  1. Biện pháp phòng chống

          5.1. Phòng bệnh

          - Chỉ chọn mua gà ở những cơ sở giống tốt, đảm bảo không có bệnh.

          - Chỉ chọn mua gà khoẻ mạnh, không nhốt chung gà mới mua về với gà khoẻ đang nuôi, cần cách ly nuôi riêng trong vòng 10 ngày.

          - Vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên.

          - Đảm bảo chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi luôn luôn sạch và khô ráo.

          - Thức ăn, nước uống sạch sẽ.

          - Hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi.

          - Có biện pháp ngăn ngừa, không cho gà tiếp xúc với thuỷ cầm, bồ câu, chim trời (không nuôi chung gà với các loại gia cầm và gia súc khác).

          - Thường xuyên thải loại những gia cầm ốm, yếu ra khỏi đàn.

          - Thường xuyên sát trùng chuồng gà và khu vực thả gà.

          - Tiêm vắcxin phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

          5.2. Khi có dịch bệnh xảy ra

          - Báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở khi thấy gà có hiện tượng ốm, chết.       

          - Không bán chạy gà ốm, không ăn thịt gia cầm trong đàn bị bệnh, không vứt xác chết bừa bãi.

          - Bao vây ổ dịch, tiêu huỷ toàn bộ gia cầm chết, mắc bệnh và gia cầm khác trong đàn, bằng cách đốt hoặc đào hố chôn sâu với chất sát trùng hoặc vôi bột theo quy định của thú y.

          - Vệ sinh, tiêu độc ổ dịch theo hướng dẫn của cán bộ thú y.

Lưu ý: Hiện nay, theo quy định, khi phát hiện bệnh cúm gia cầm của một cơ sở chăn nuôi thì toàn bộ số gia cầm của cơ sở đó phải bị tiêu huỷ và tiêu độc, không điều trị vì:

- Tất cả các loại kháng sinh và hoá dược hiện đang sử dụng đều không có tác dụng với bệnh cúm gia cầm.

- Virus cúm gia cầm lây lan rất nhanh, gây nguy hiểm cho tất cả các loài gia cầm, nhiều loài chim và cả cho người./.

                                                                              Lê Thị Thu Hiền - Trạm KN Sơn Tây