Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bệnh chết dây trên cây khoai lang

Cây khoai lang từ lâu đã giúp người nông dân thoát nghèo chính trên mảnh đất của mình. Nhưng những năm gần đây đã xuất hiện loại bệnh làm cho dây khoai lang chết hàng loạt dẫn đến nhiều hộ thua lỗ nặng.



Đã có rất nhiều những ruộng khoai lang gần như mất trắng vì bệnh này. Đó là bệnh chết dây (chết tím dây) trên cây khoai lang (hay còn gọi là bệnh héo vàng) đang làm cho người trồng cảm thấy lo lắng mỗi khi bước vào vụ mới.

Triệu chứng: Bệnh chết dây trên cây khoai lang do nấm Fusarium sp gây ra. Nấm bệnh xâm nhập gây hại vào gốc dây khoai lang cách mặt đất 2-3 cm. Chúng làm cho dây khoai có những vết thương màu nâu đen chạy dọc theo dây.

Các vết thương này làm tắc nghẽn các mạch dẫn khiến cho việc vận chuyển nước và chất dinh dưỡng trở nên khó khăn, làm cây sinh trưởng kém, lúc đầu viền lá ở các lá già có màu huyết, đọt lá màu tím biểu hiện như hiện tượng thiếu lân, cắt ngang thân thấy mạch dẫn bên trong bị nâu đen. Sau đó các lá già bắt đầu chuyển sang vàng dần và héo. Bệnh nặng làm dây bị chết khô.

Biểu hiện bệnh rõ nhất lúc thời tiết mưa và nắng đột ngột, nhiệt độ khoảng 30 độ C. Thời gian từ khi cây có biểu hiện bệnh đến khi cây chết kéo dài hàng tháng.

Biện pháp phòng trừ:

- Luân canh cây trồng khác họ.

- Dùng hom giống ở ruộng khoai không bị bệnh.

- Thu dọn tàn dư cây trồng sau thu hoạch.

- Nhổ bỏ và tiêu hủy những cây bị bệnh nặng.

- Bón phân cân đối Đạm – Lân – Kali. Bổ sung thêm nguyên tố trung vi lượng cho khoai lang.

- Trước khi làm đất tăng cường bón vôi để sát khuẩn, ngăn ngừa nấm bệnh và nâng pH đất giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.

- Trước khi lên luống bón lót phân chồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh như phân HCVS1 VIETSTAR để ổn định cấu trúc đất, tăng độ mùn, đất tơi xốp và tiêu diệt mầm bệnh gây hại có trong đất.

- Nên bổ sung CALCIUM NITRATE 02 lần/vụ nhằm tăng sức miễn dịch cho bộ rễ và đề kháng cho dây khoai.

- Bệnh chết dây khoai lang rất khó chữa trị nên cần lưu ý theo dõi ruộng khoai và chủ động phun thuốc phòng ngừa bệnh sớm bằng sản phẩm BIMA hoặc thuốc có gốc đồng./.

Hà Thúy Tuyển – Trạm KN Chương Mỹ (Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam)