Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn hại lúa và biện pháp phòng trừ

Hiện nay, lúa trà sớm và trà trung đang làm đòng - trỗ bông, trà muộn cuối đẻ nhánh - phân hoá đòng. Bệnh đốm sọc vi khuẩn đã phát sinh gây hại cục bộ trên một số giống nhiễm như Bắc thơm số 7, nhóm TBR, Hương thơm, Lam Sơn,... trên những diện tích lúa bón thừa đạm. Tỷ lệ trung bình 2 - 3% số lá, cao 7 - 10% số lá, cục bộ 15 - 20% số lá, cấp 1 - 3. Trận mưa giông đêm 20/4 đã tạo ra các vết thương cơ giới trên lá lúa. Thời gian tới, thời tiết tiếp tục oi nóng xen kẽ mưa rào và giông là điều kiện thuận lợi cho bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh, lây lan và gây hại.



Để có biện pháp phòng trừ kịp thời, vừa qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã có thông báo số 338/TB-TTBVTV yêu cầu các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của bệnh bạc lá – đốm sọc vi khuẩn hại lúa. Xác định các trà lúa, diện tích gieo cây giống nhiễm bệnh, diện tích có nguy cơ cao bị bệnh tại địa phương để chủ động phòng trừ.

Đối với những diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh cần dừng bón tất cả các loại phân; Giữ nước thường xuyên trên ruộng để tăng khả năng chống chịu của cây.

Phun phòng trừ khi bệnh mới xuất hiện hoặc ngay sau khi mưa giông kết thúc bằng một trong các loại thuốc có chứa hoạt chất Bismerthiazol, Copper Oxychloride, Bronopol,... (Xanthomix 20WP, Riazor 215WP, New Kasuran 16.6WP, Sasumi 70WP, Totan 200WP,...).

Chú ý: Sử dụng thuốc đúng nồng độ, liều lượng ghi trên bao bì; thu gom vỏ bao bì sau sử dụng đúng nơi quy định. Những diện tích lúa đang trỗ bông phải phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát./.

TX (TH)